Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển KTXH 2011-2015

Sáng 8/11, các đại biểu Quốc hội đã thông qua mục tiêu tổng quát và Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011 - 2015, thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011 - 2015, Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011 - 2015.

20 chỉ tiêu chủ yếu của giai đoạn 2011 - 2015

Với gần 90% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015. Theo đó, 20 chỉ tiêu chủ yếu của giai đoạn 2011 - 2015 được Quốc hội thông qua, gồm: 10 chỉ tiêu kinh tế, 8 chỉ tiêu xã hội và 2 chỉ tiêu môi trường. Trong đó, đáng chú ý là các chỉ tiêu: Tổng sản phẩm trong nước GDP tăng 6,5-7%. Tỷ trọng đầu tư toàn xã hội 5 năm khoảng 33,5-35% GDP.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Nhập siêu giảm dần từ năm 2012 và phấn đấu dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015. Bội chi ngân sách nhà nước đạt dưới 4,5% vào năm 2015 (đã cộng phần vốn trái phiếu Chính phủ). Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP. Số lao động được tạo việc làm 8 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị đến năm 2015 dưới 4%. Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân 2%/năm và giảm bình quân 4%/năm đối với các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85%.

Cùng với các chỉ tiêu chủ yếu, Quốc hội cũng thông qua 9 định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015. Theo đó, một trong các giải pháp quan trọng là thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong ba lĩnh vực quan trọng gồm: Cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính; cơ cấu lại doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Bên cạnh đó, nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị sức mua đồng tiền tiếp tục được tập trung thực hiện thông qua việc triển khai đồng bộ, kiên trì các chính sách về tiền tệ, tài khóa, kiềm chế nhập siêu.

Đặc biệt, để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 2011-2015, Quốc hội nhất trí tập trung thực hiện 3 đột phá, 12 định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 đã được Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng đề ra.

Lồng ghép hợp lý các chương trình mục tiêu quốc gia

Đó là ý kiến của 18 đại biểu tham gia phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung đã góp phần giải quyết các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt là giải quyết các vấn đề xã hội; trong đó, đã tập trung chi cho con người, nâng cao cuộc sống của nhân dân với nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, trong 5 năm tới, Chính phủ cần sắp xếp lại theo lĩnh vực cùng với việc phân công quản lý, phân công đầu mối tập trung, khắc phục tình trạng chồng chéo, cơ cấu lại nội dung chi đầu tư và chi thường xuyên, chi sự nghiệp. Thêm vào đó, Chính phủ cần xác định việc thực hiện mục tiêu quốc gia theo thời gian, sau đó hoàn thành thì đưa vào nội dung chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương. Về số lượng danh mục công trình, Chương trình mục tiêu quốc gia, ý kiến của các đại biểu còn khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến của Quốc hội biểu quyết vào phiên họp sáng 9/11.

Cần xây dựng tiêu chí sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ

Thảo luận Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011 - 2015, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Nghị quyết Quốc hội về đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ từ năm 2003 đến nay đã góp phần quan trọng vào đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng; có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng.

Tuy nhiên, những tồn tại của việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ thời gian qua đã để lại những hậu quả cần giải quyết rất lớn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Nhiều công trình, dự án có tổng mức đầu tư tăng cao, vượt quá ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc đình hoãn, giãn tiến độ các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách cần thận trọng và xem xét dựa trên từng dự án cụ thể, có tác dụng đặc biệt tới sự phát triển của từng địa phương, từng vùng, nhất là những địa bàn khó khăn, tỉnh miền núi... Theo đó, Chương trình xây dựng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 5 năm tới cần xây dựng các tiêu chí, nguyên tắc để phân bổ nguồn lực hợp lý, công bằng, công khai và minh bạch; đồng thời xác định rõ trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương làm tăng quy mô của dự án trái phiếu Chính phủ.

*Chiều 8/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và dự thảo Luật Giá.

Hình thành thói quen tôn trọng pháp luật

Các đại biểu cho rằng cần thiết phải ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết về pháp luật của người dân, tiến tới hình thành thói quen tôn trọng pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và của xã hội.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng dự thảo Luật vẫn còn nhiều điều quy định chung chung với các biện pháp một chiều nhằm đưa kiến thức pháp luật tới người dân chứ chưa chú trọng đến hình thức tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

Nhiều đại biểu cho rằng cần bổ sung quy định về việc giáo dục pháp luật trong gia đình, cơ quan, tổ chức, nhất là giáo dục đối với phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng, cần quy định cụ thể hơn các đối tượng cần được ưu tiên hay bắt buộc được giáo dục phổ biến pháp luật.

Công khai minh bạch và quy định chặt chẽ về giá

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Giá, đa số đại biểu nhận định việc ban hành Luật Giá là cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm tiếp tục đổi mới phương thức quản lý giá, khắc phục những bất cập hiện tại để quản lý giá phù hợp với cơ chế thị trường và đảm bảo khuyến khích cạnh tranh về giá. Việc ban hành Luật Giá sẽ góp phần quan trọng vào bình ổn giá thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, khắc phục những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn chưa đạt được mục tiêu phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN, giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ cung cầu. Nhiều nội dung của dự thảo Luật tập trung quy định về quản lý nhà nước, chú trọng đến vai trò của các cơ quan nhà nước trong quyết định và điều tiết giá.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN