Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Giám sát phải đeo đuổi đến kết quả cuối cùng

Tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 21/7, Quốc hội cho ý kiến thảo luận về về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

 

Chú thích ảnh
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, sáng 21/7. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Tờ trình do Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát. Bên lề phiên họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã có những chia sẻ về hoạt động giám sát của Quốc hội.

Tăng cường giám sát chống lãng phí trong đầu tư công

Nhấn mạnh lãng phí có tính nguy hại không kém gì tham nhũng, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng trong 4 chuyên đề giám sát, chuyên đề thứ nhất, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, là rất cần thiết.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu ý kiến, sáng 21/7. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN

Cùng chung quan điểm với đại biểu Kim Thúy, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu ra vấn đề, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp mạnh, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người lao động, người dân nói chung, Chính phủ và chính quyền địa phương đã dành nhiều nguồn lực đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế, hỗ trợ an sinh xã hội. Để đảm bảo quá trình đầu tư công cũng như hỗ trợ thực chất, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, tránh lãng phí, thất thoát ra bên ngoài thì rất cần sự giám sát của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội.

Bày tỏ hoàn toàn ủng hộ 4 chuyên đề giám sát mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho biết ông quan tâm tới chuyên đề giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bởi đây là một vấn đề đã được bàn luận nhiều và cũng có nhiều giải pháp. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp trên thực tế còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Theo đại biểu, xét ở góc độ thể chế, hệ thống các quy phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mặc dù đã có song chưa thật đầy đủ, vẫn còn có “khoảng trống thực hiện cũng được mà không thực hiện cũng được”. Lấy ví dụ về điều này, đại biểu nhấn mạnh đến hoạt động mua sắm tài sản công. Trên thực tế, có rất ít các vụ việc mua sắm tài sản công không đúng quy định bị đưa ra xem xét kỷ luật, hoặc mức độ kỷ luật chưa thỏa đáng. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn chưa đầy đủ. Do đó, rất cần các hoạt động tuyên truyền, kết hợp với kiểm tra, giám sát để tất cả mọi người thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách triệt để từ những việc nhỏ nhất.

Giám sát phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo quyền lợi ích của công dân

Bên cạnh chuyên đề giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, một số đại biểu Quốc hội cũng thể hiện sự quan tâm tới các nội dung giám sát khác.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, ngay đầu nhiệm kỳ, Quốc hội cần thực hiện giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021. Theo đại biểu, việc Quốc hội thực hiện giám sát nội dung này nhằm đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân được thực hiện đầy đủ trong thực tiễn.

Đại biểu Kim Thúy cũng nhấn mạnh việc giám sát những vấn đề mà Quốc hội đã quyết định được thực hiện trên thực tế như thế nào. Giám sát để chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong các quy định của pháp luật có liên quan và khâu tổ chức thực hiện. Từ đó, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế cũng như đưa ra những giải pháp phù hợp. Việc giám sát phải được đeo đuổi đến kết quả cuối cùng.

Trong khi đó, là người công tác trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu Lê Quân (Cà Mau) cho rằng, Quốc hội cần có giám sát vấn đề phát triển nguồn nhân lực, bởi đây là một nội dung rất quan trọng, một trong ba khâu đột phá chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đề ra. Quá trình giám sát này, theo đại biểu, không chỉ tập trung vào vấn đề Nhà nước đề ra những chủ trương, nghị quyết phê duyệt đầu tư mà còn tập trung xem xét cụ thể từng khu vực công, tư nhân đã đầu tư và tham gia đến đâu trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các chương trình hành động và những chỉ số đo lường cụ thể. “Chúng ta không chỉ đánh giá vai trò của ngành Giáo dục hay ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và một số cơ sở giáo dục mà ở đây phát triển nguồn nhân lực là trách nhiệm chung của toàn xã hội”, đại biểu nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Lê Quân, việc giám sát này giúp Quốc hội và các cơ quan chức năng Nhà nước có được cái nhìn toàn diện, từ đó đưa những giải pháp cụ thể để tăng cường sự tham gia, vai trò của từng thành phần, nhất là khu vực tư nhân, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đối với công tác phát triển nguồn nhân lực có năng lực thích ứng với yêu cầu mới, hội nhập quốc tế.

Việt Đức (TTXVN)
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV

Trong 2 ngày 20 và 21/7/2021, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội tập trung hoàn thành công tác nhân sự của Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN