Trận chiến đấu chống càn tại thôn Chanh Chè là một trong những sự kiện lịch sử hào hùng, bi tráng nhất của bộ đội chủ lực phối hợp với quân và dân Hà Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử sâu sắc.
Dự lễ kỷ niệm có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Nam; đại diện Quân đoàn 12, Sư đoàn 325, Trung đoàn 95; các cựu chiến binh, cựu du kích đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong trận chống càn bi hùng cách đây 70 năm, thân nhân các liệt sĩ hy sinh tại Núi Chùa cùng đông đảo cán bộ và nhân dân địa phương.
Trong diễn văn kỷ niệm 70 năm trận chiến đấu chống càn tại thôn Chanh Chè, Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm Hoàng Mạnh Dũng cho biết: Sau thất bại nặng nề tại chiến trường Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, quân Pháp ở nhiều nơi còn khá mạnh, chúng tiếp tục thực hiện các cuộc càn quét, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, hòng cố giữ tuyến phòng thủ ở sông Đáy và cứu vớt tình thế trên chiến trường Đông Dương.
Cách đây 70 năm, ngày 21/5/1954, tại mặt trận đồng bằng Bắc Bộ diễn ra trận chiến đấu chống càn oanh liệt, bi hùng của bộ đội ta với binh đoàn chủ lực của quân Pháp tại thôn Chanh Chè, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm. Địch huy động hơn 1.300 quân từ Phủ Lý, bốt Tâng (Thanh Hương), bốt Cõi (Liêm Cần) với sự yểm trợ của 8 máy bay, 50 xe lội nước… mở trận càn vào các thôn Chanh Chè, Trà Châu, Khe Đá, Thong, Sở… (xã Thanh Tâm).
Được sự phối hợp của bộ đội, du kích và nhân dân huyện Thanh Liêm, bộ đội chủ lực đã chiến đấu ngoan cường, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch. Đặc biệt là trận chiến đấu chống càn oanh liệt ngày 21/5/1954 của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 227, Trung đoàn 95, Đại đoàn 325 và một số cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48, Đại đoàn 320, tại Núi Chùa - xã Thanh Tâm.
Trong điều kiện bất lợi khi Tiểu đoàn 227 vừa hành quân đến tiếp nhận địa bàn do Trung đoàn 48 bàn giao, chưa có điều kiện củng cố công sự, trận địa, lại phải đối đầu với hai binh đoàn mạnh của quân Pháp và ngụy có máy bay, xe lội nước yểm trợ nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bộ đội ta được sự phối hợp, giúp đỡ của du kích, nhân dân địa phương đã chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt và làm bị thương hơn 300 tên địch, bắn cháy 5 xe các loại buộc chúng phải rút lui, bảo vệ được nhân dân, làng mạc, mùa màng.
Với thất bại và thương vong lớn, quân Pháp điên cuồng ném bom, bắn phá dữ dội vào khu vực núi Chùa, nơi tập trung chủ yếu lực lượng của ta. Riêng Trung đoàn 95 có 175 cán bộ, chiến sỹ anh dũng hy sinh và mất tích, 108 đồng chí bị thương, phần lớn các chiến sĩ quê ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Để tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến đấu chống càn ngày 21/5/1954, Khu di tích lịch sử núi Chùa được xây dựng và hoàn thành vào năm 2011, được công nhận là Di tích Lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Đây không chỉ là công trình tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ, ngợi ca ý chí quật cường, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thế hệ cha, anh vì độc lập, tự do của dân tộc, mà còn là địa chỉ “đỏ” để giáo dục truyền thống, lịch sử đối với các thế hệ mai sau.
Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, cán bộ và nhân dân huyện Thanh Liêm, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội nguyện tiếp nối sự nghiệp vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước; chung sức, chung lòng, đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng quê hương Thanh Liêm luôn ổn định về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...
Tại lễ kỷ niệm, lãnh đạo huyện Thanh Liêm trao quà cho các đại biểu là du kích tham gia trận chiến chống càn tại thôn Chanh Chè, xã Thanh Tâm (Thanh Liêm).