Sự kiện có sự tham dự của hàng trăm quan khách trong đó có Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) Daren Tang cùng đại diện một số tổ chức quốc tế khác ở Thụy Sĩ, chính quyền bang Geneva, các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn, đại diện Phái đoàn của nhiều nước tại Geneva, doanh nghiệp Thụy Sĩ, bạn bè quốc tế, cùng người Việt, du học sinh Việt Nam tại Geneva và vùng lân cận. Tham dự buổi lễ này còn có Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan và các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và Phái đoàn tại Geneva.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva đã có bài phát biểu, chia sẻ niềm vui hân hoan kỷ niệm thời khắc lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, mở ra một trang mới của lịch sử đất nước. 76 năm qua, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nỗ lực không mệt mỏi để bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, đóng góp cho hòa bình, hữu nghị và hợp tác khu vực và trên thế giới.
Điểm lại một số thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm qua, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh việc Việt Nam đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và đang thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) theo Chương trình Nghị sự 2030. Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giáo dục và bình đẳng xã hội, bảo vệ quyền cơ bản của con người, nhất là những người dễ bị tổn thương, trao quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái...
Trong bối cảnh COVID-19, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết tâm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ 2021-2030 mà Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua đầu năm nay.
Đại sứ Tuyết Mai cũng đề cập đến những thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19 mà Việt Nam đang phải đối mặt. Mặc dù Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch ở giai đoạn đầu, nhưng hiện nay đang chiến đấu để kiểm soát việc lây lan biến chủng mới Delta, đặc biệt trong bối cảnh bùng phát làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư phức tạp nhất.
Nhân dịp này, Đại sứ cũng bày tỏ trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của các nước, các tổ chức quốc tế, giúp Việt Nam khắc phục, vượt qua những hậu quả của đại dịch COVID-19, đặc biệt là giúp Việt Nam đẩy nhanh tiếp cận vaccine ngừa COVID-19, hỗ trợ vật tư, y tế và tư vấn chính sách phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Ở quy mô toàn cầu, cơ chế COVAX - chương trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có trụ sở tại Geneva hậu thuẫn cùng với Liên minh vaccine GAVI nhằm đảm bảo vaccine được phân phối công bằng trên toàn cầu, đặc biệt hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình. Một số chính phủ các nước, trong đó có Thụy Sĩ, cũng cam kết chia sẻ các liều vaccine với chương trình này. Cho đến nay, cơ chế COVAX đã hỗ trợ Việt Nam khoảng 12 triệu liều vaccine, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các nguồn cung cấp vaccine tại Việt Nam hiện nay.
Đề cập đến thời kỳ ban đầu Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cho biết, Phái đoàn Việt Nam tại Geneva được thành lập năm 1974, đã tích cực thúc đẩy việc Việt Nam trở thành thành viên LHQ năm 1977 và WTO năm 2007, đồng thời thực hiện nhiều nhiệm vụ tại các tổ chức quốc tế khác.
Nhân dịp này, Đại sứ Tuyết Mai trân trọng bày tỏ cảm ơn đối với Văn phòng LHQ, các Tổ chức quốc tế khác, cũng như các Phái đoàn các nước ở Geneva, trong đó có Ủy ban ASEAN tại Geneva, giúp cho Phái đoàn Việt Nam tại Geneva hoàn thành nhiệm vụ.
Việt Nam đã đóng góp tích cực vào công tác của các cơ quan chuyên môn của LHQ, với tư cách là thành viên Hội đồng chấp hành của WHO, Ủy ban Luật pháp Quốc tế của LHQ, đảm nhận chức Chủ tịch Đại hội đồng WIPO từ năm 2018, là một trong những Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị năm 2019, và trong năm 2020, Việt Nam đảm nhận hai trách nhiệm quốc tế là Chủ tịch ASEAN và tư cách thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, qua đó có những đóng góp tích cực vào công tác của Hội đồng Bảo an LHQ, vì nền hòa bình bền vững.
Ngày 22/02/2021, phát biểu tại khóa họp 47 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đã công bố Việt Nam là ứng viên của ASEAN và Việt Nam ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, và mong muốn nhận được sự ủng hộ của các nước tại bầu cử này. Mới đây nhất, Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Khai thác Bưu chính (POC) của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025. Đại sứ Tuyết Mai cũng bày tỏ cảm ơn các Phái đoàn các nước về việc ủng hộ Việt Nam tại cuộc bầu cử UPU.
Cũng nhân dịp này, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đã bày tỏ cảm ơn chân thành tới nước chủ nhà Thụy Sĩ và các nước khác, các tổ chức quốc tế, các Phái đoàn tại Geneva đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và hợp tác quý báu trong những năm qua, đặc biệt là sự hỗ trợ kịp thời và đầy ý nghĩa dành cho Việt Nam về vaccine, thiết bị y tế, hỗ trợ kỹ thuật, giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi bao trùm.
Đại sứ Tuyết Mai cũng tin tưởng mạnh mẽ rằng với việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế và đoàn kết xuyên biên giới, cộng đồng quốc tế sẽ cùng nhau giải quyết những tác động tiêu cực của đại dịch này và góp phần thiết lập “một bình thường mới” và “xây dựng hướng tới tốt đẹp hơn” sau COVID-19.
Đại diện cộng đồng cùng phái đoàn ngoại giao của nhiều nước tại Geneva đã chia sẻ niềm vui và tự hào trước những thành tựu và uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế nói chung và ở Geneva nói riêng, chúc mừng Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai là Trưởng đoàn tham dự trực tiếp Đại hội UPU nhân dịp Việt Nam trúng cử trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 27 của UPU vừa qua. Đây là cuộc bầu cử có tính cạnh tranh cao, và khu vực Nam Á và Châu Đại Dương, trong đó có Việt Nam, luôn là khu vực cạnh tranh gay gắt nhất trong các cuộc bầu cử tại UPU, trong khi năm nay cũng có tới 20 nước đăng ký ứng cử cho 11 vị trí dành cho khu vực.
Sự kiện kỷ niệm 76 năm Tết Độc lập cũng là dịp để giới thiệu quảng bá văn hóa, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Phái đoàn đã trưng bày một số tranh nghệ thuật và những bức ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam, giới thiệu âm nhạc dân tộc và nhiều món ăn đặc trưng của nghệ thuật ẩm thực Việt Nam. Buổi lễ đã diễn ra trong không khí trang trọng, chân tình và ấm áp với những ấn tượng khó phai, nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch COVID-19 của chính quyền bang Geneva.