Các thí sinh dự thi cấp cận 6 đang chăm chú làm bài. |
Kỳ thi năng lực tiếng Việt chia thành 7 cấp độ trong đó cấp thấp nhất là cấp cận 6 là cấp nhập môn tiếng Việt, tiếp theo các cấp độ được nâng dần từ cấp 6 lên đến cấp 1. Mức lệ phí thấp nhất là của cấp cận 6 với số tiền 3.000 yên (khoảng 600.000 đồng), tiếp đó cấp 6 là 3.500 yên, cấp 5 là 4.500 yên, cấp 4 là 5.500 yên, cấp 3 là 6.500 yên, cấp 2 là 8.000 yên và cấp 1, cấp cao nhất, là 9.000 yên. Kỳ thi năng lực tiếng Nhật lần đầu tiên này sẽ cấp chứng chỉ từ cấp cận 6 đến cấp 2, chưa có cấp 1.
Một thí sinh cao tuổi đang được giám thị hướng dẫn địa điểm phòng. |
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Chủ tịch Hội đồng thi Năng lực tiếng Việt, ông
Yanagisawa Yoshio, cho biết thời gian chuẩn bị cho kỳ thi năng lực tiếng Việt lần đầu tiên này mất hơn 2 năm với nhiều công việc từ soạn đề thi, xin cấp phép đến bố trí, sắp xếp nhân sự, địa điểm thi….
Các thí sinh làm thủ tục vào phòng thi năng lực tiếng Việt. |
Ông cho biết có 379 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi lần này, trong đó số thí sinh là những người đang đi làm chiếm tỷ lệ khá cao. Độ tuổi trung bình của thí sinh vào khoảng 40 tuổi, trong đó thí sinh cao tuổi nhất là 86 tuổi và thí sinh trẻ tuổi nhất là 18 tuổi. Một thí sinh sau khi kết thúc bài thi đã nhận xét rằng kỹ năng nghe hiểu là phần thi khó nhất vì tiếng Việt có nhiều thanh âm khiến cho các thí sinh dễ bị nhầm lẫn.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hiệp hội giáo dục phi lợi nhuận Bunsai Gakuen, Trường Cao đẳng ngoại ngữ Nhật Bản, ông Ise Yoji cho biết có 3 lý do để kỳ thi năng lực tiếng Việt đầu tiên được tổ chức. Thứ nhất, thời đại hiện nay đang được coi là thời đại của các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam đóng một vai trò quan trọng.
Các thí sinh buớc vào phòng thi theo sự chỉ dẫn của giám thị. |
Ông Ise Yoji cho rằng Việt Nam đang có bước phát triển mạnh mẽ và trong tương lai sẽ trở thành một quốc gia phát triển, có vị thế, chính vì vậy cần phải mở rộng cơ hội dạy tiếng Việt cho người Nhật Bản. Lý do thứ hai trong bối cảnh Việt Nam đang trên đà phát triển, việc dạy tiếng Việt cho người Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho người Nhật Bản hiểu được văn hóa Việt Nam, điều này sẽ giúp mở rộng kiến thức về Việt Nam cho các sinh viên Nhật Bản.
Các giám thị thực hiện nhiệm vụ trông thi bên ngoài phòng thi. |
Lý do thứ ba là hiện tại số sinh viên Nhật Bản có xu hướng lựa chọn Việt Nam làm địa điểm du học đang tăng lên và để chuẩn bị cho việc du học tại Việt Nam, tiếng Việt là một công cụ cần thiết. Đánh giá về triển vọng của giáo dục tiếng Việt tại Nhật Bản, ông Ise Yoji cho rằng trong vòng 3 đến 4 năm nữa số sinh viên Nhật Bản học tiếng Việt sẽ tăng mạnh. Ông tin tưởng trong những kỳ thi năng lực tiếng Việt tiếp theo tại Nhật Bản, số thí sinh dự thi có thể lên đến con số hàng nghìn người.
Ông Phạm Quang Hưng, Bí thư thứ nhất phụ trách giáo dục, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang có bước phát triển mạnh mẽ trên mọi mặt, trong đó, số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh. Trong xu thế này, nhu cầu học tiếng Việt tại Nhật Bản đang tăng lên.
Khuôn viên Trường cao đẳng Ngoại ngữ nơi diễn ra kỳ thi năng lực tiếng Việt đầu tiên tại Nhật Bản. |
Theo ông Phạm Quang Hưng, lứa tuổi học tiếng Việt tại Nhật Bản rất đa dạng chứng tỏ sự giao lưu mạnh mẽ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa và giao lưu nhân dân. Ông Phạm Quang Hưng nhận định việc dạy tiếng Việt không chỉ giới hạn ở những môi trường chính quy mà sẽ còn mở rộng ra nhiều hình thức khác để đáp ứng nhu cầu giao lưu, tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam tại Nhật Bản. Ông cho rằng hiện nay là giai đoạn đầu của công tác phát triển học tiếng Việt tại Nhật Bản vì vậy triển vọng của hoạt động này còn rất lớn.
Theo kế hoạch, kỳ thi năng lực tiếng Việt lần thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 24/6/2018.