Sạt lở bờ sông Ô Môn tại khu vực Thới Lợi đã ăn sâu vào bờ khoảng 30m và dài hơn 80m. Ảnh: Duy Khương/TTXVN |
Khu vực sạt lở nằm trên kênh Tắc Ông Thục, khu vực Bình Thuận, phường Trường Lạc, quận Ô Môn. Tổng chiều dài sạt lở khoảng 80 m, riêng đoạn sạt lở nặng lấn sâu vào bờ khoảng 1 m, dài hơn 10 m.
Năm trước, tại đoạn đường nông thôn này cũng đã từng bị sạt lở và được gia cố. Tuy không thiệt hại về người và tài sản nhưng một phần đường giao thông bị cắt đứt.
Theo người dân, vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 6 giờ ngày 6/6 đã làm sụp một phần tuyến đường nhựa qua khu vực này. Vị trí sạt lở nằm trước nhà của bà Huỳnh Thị Tám, nhà số 33, khu vực Bình Thuận, phường Trường Lạc, quận Ô Môn.
Bà Tám cho biết, khoảng 5 giờ sáng cùng ngày bà thức dậy đi tập thể dục thì chưa thấy dấu hiệu gì, đến hơn 6 giờ sáng khi trở ra thì thấy một phần đoạn đường trước nhà bà đã bị sụp xuống khoảng 0,5 m so với mặt đường.
Cũng tại phường Trường Lạc, trước đó cũng xuất hiện một điểm sạt lở ở kênh Giáo Dẫn. Nơi đây, một đoạn giao thông nông thôn bị nước xoáy gây hở hàm ếch làm sạt hoàn toàn một phần đường, cuốn trôi nhiều đất đai, cây cối.
Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã đến hiện trường kiểm tra, khảo sát các điểm sạt lở; đồng thời chỉ đạo Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đánh giá ngay tình hình các điểm sạt lở, hướng dẫn giải pháp khắc phục cho địa phương. Trước mắt, lập các biển cảnh báo hạn chế lưu thông và nghiêm cấm các loại xe 4 bánh di chuyển để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí cho phường Trường Lạc xử lý ngay các nơi sạt lở.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết đối với những nơi có nguy cơ sạt lở và đã sạt lở nhưng chưa thiệt hại nhiều thì cần phải tập trung gia cố những điểm này để tránh sạt lở tiếp.
“Nếu không gia cố ngay, những điểm này sạt lở tiếp thì sẽ gây thiệt hại lớn hơn”, ông Dũng nói. Theo ông Đào Anh Dũng, về lâu dài, UBND thành phố Cần Thơ sẽ chỉ đạo và hỗ trợ cho địa phương cùng với người dân trồng những loại cây thích hợp để giảm tình trạng sạt lở, tăng bồi đắp các bờ sông trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch Đào Anh Dũng yêu cầu các sở, ngành có liên quan cần nghiên cứu triển khai trồng các loại cây phù hợp ven các tuyến sông để phòng, chống sạt lở. Đây là giải pháp phi công trình chi phí thấp nhưng hiệu quả mang lại rất lớn.
Cụ thể, ông Đào Anh Dũng chỉ đạo Chi cục Thủy lợi thành phố cần có phương án, kế hoạch cụ thể, cách trồng, kinh phí, đơn vị nào thực hiện...
Trước mắt, giải pháp trồng cây để ngăn sạt lở sẽ được thí điểm tại 3 quận, huyện là Bình Thủy, Cái Răng và Phong Điền. Các loại cây được đề xuất là bần, dừa nước và tra. Đây là những loại cây mọc rất nhiều trên các tuyến sông, kênh rạch ở thành phố Cần Thơ.
Cùng với đó, Cần Thơ sẽ xem xét hỗ trợ ngay kinh phí cho các địa phương có các điểm sạt lở ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân để ổn định cuộc sống cho người dân ở những nơi xảy ra sạt lở, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, đến nay trên địa bàn Cần Thơ xảy ra 13 điểm sạt lở với chiều dài bị ảnh hưởng khoảng 480 m.
Trong 9 quận, huyện của Cần Thơ thì từ đầu năm 2018 đến nay đã có 5 địa phương có sạt lở, gồm các quận: Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền. Trong đó, quận Ô Môn là nơi xuất hiện sạt lở nhiều nhất với 4 điểm, chiều dài 275 m.
Ước tổng thiệt hại do sạt lở gây ra cho Cần Thơ là khoảng 33,3 tỷ đồng.