Sinh thời, Bác Hồ thường nói: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. “Dân là tối thượng”, “Dân là gốc của nước, mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, lực lượng bao nhiêu là ở dân hết”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954). Ảnh tư liệu TTXVN |
Người còn nói: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, thắng lợi của cách mạng là do sự phấn đấu hy sinh và trí thông minh sáng tạo của hàng triệu nhân dân, nhất là công nhân, nông dân và những người trí thức cách mạng”. Người nhìn nhận, đánh giá về nhân dân một cách toàn diện: Số lượng, chất lượng, giá trị, sức mạnh, vai trò lịch sử, quyền hạn và trách nhiệm. Người còn chỉ rõ: “Công nông là gốc của cách mạng”, lực lượng nòng cốt thúc đẩy sự phát triển của lịch sử quyết định sự thành công của cách mạng là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.
Quan điểm của Bác về Dân thể hiện tầm nhìn và tấm lòng thương yêu dân hết mực. Chính vì vậy mà suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân ta đã một lòng đi theo Đảng, theo Bác, đoàn kết xung quanh Đảng và thể hiện vai trò của mình để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Ngoài ra, theo Người “Nhân hòa là quan trọng hơn hết” cho mọi sự thành công “Dân chúng đồng lòng thì việc gì cũng làm được”, vì vậy Bác chỉ rõ “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”, “Nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân”, “Dân ta rất tốt, lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”, “Phải dựa vào dân để xây dựng Đảng”, xây dựng chính quyền. Cách mạng là sự nghiệp của tất cả mọi người Việt Nam, không phân biệt già trẻ, trai gái, dân tộc, thành phần, giai cấp. Vì vậy, muốn tiếp tục sự nghiệp đổi mới, thực hiện CNH, HĐH đến thắng lợi, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN, mỗi cán bộ đảng viên, mỗi tổ chức Đảng phải gắn bó với nhân dân, để tổ chức thành lực lượng và huy động sức mạnh của cả dân tộc “Cùng nhau đoàn kết thành một khối, được dân ủng hộ, thì việc gì to mấy, khó mấy cũng làm nên”.
Khi cách mạng nước ta chuyển sang thời kỳ chống thực dân Pháp, nhiệm vụ về công tác dân vận rất lớn, song cán bộ đảng viên, nhiều cơ quan, tổ chức chính quyền chưa hiểu rõ và chưa làm đúng. Trong tình hình đó Bác đã viết bài báo Dân vận, Người chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không thể sót người nào, góp thành lực lượng của toàn dân, để thực hành những việc nên làm, những công việc của Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”.
Bác đã nêu rõ khái niệm về dân vận và chỉ ra mục đích, nhiệm vụ của công tác này. “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Mấu chốt của công tác dân vận, là mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân trước hết là vấn đề lợi ích. Bác yêu cầu các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, mặt trận các đoàn thể phải làm mọi cách để dân biết hưởng quyền làm chủ, biết dùng quyền làm chủ để dám nói, dám làm.
Đồng thời tạo điều kiện để cho dân phát huy vai trò làm chủ của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tư tưởng Dân vận của Bác là đại đoàn kết dân tộc,tư tưởng đại đoàn kết của Bác đã trở thành đường lối chiến lược cơ bản lâu dài, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Năm 1962 khi nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác Mặt trận, Bác Hồ đã kêu gọi: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Tư tưởng của Bác là đại đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, thành phần, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Đoàn kết quốc gia, đoàn kết quốc tế, phát huy của cả cộng đồng dân tộc. Bác Hồ là hiện thân của sự đoàn kết, đồng thời lãnh đạo, tổ chức toàn Đảng, toàn dân và toàn hệ thống chính trị, để cây đại đoàn kết Việt Nam bốn mùa xanh tươi và đơm hoa kết trái.
Thực tiễn những năm qua cho thấy ở đâu việc triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước được tiến hành theo quy trình dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì ở đó công tác dân vận có hiệu quả rõ rệt. Ngày nay chúng ta đang tiến hành sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì công tác dân vận lại càng có ý nghĩa quan trọng, giúp thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Nhân Ngày truyền thống ngành dân vận và 59 năm ngày Bác Hồ viết bài báo “Dân vận” nổi tiếng, đồng thời chúng ta đã và đang triển khai cuộc vận động học tập theo tấm gương đạo đức của Bác, vì vậy mỗi cán bộ đảng viên, công chức, mỗi tổ chức Đảng, cơ quan chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân cần hiểu rõ tư tưởng của Bác về công tác dân vận. Đồng thời phấn đấu thực hiện tốt công tác dân vận như Người hằng mong muốn.
Bùi văn Hoằng