Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, sáng 23/10, sau khi nghe Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật này.
Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra. Nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV/AIDS nhằm bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV/AIDS trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), nêu vấn đề tình trạng người thân đang chăm sóc cho những người nhiễm HIV/AIDS liệu có bị nhiễm hay không khi người bệnh không có ý thức tự giác. Vì vậy, việc tiếp cận được thông tin người nhiễm là rất cần thiết để tránh lây nhiễm cho người thân như cha mẹ, vợ hoặc người chăm sóc trực tiếp về y tế của đối tượng này.
Tuy nhiên, để đảm bảo bí mật thông tin của nhiều người nhiễm HIV/AIDS, để họ không mặc cảm với xã hội mà sống vui tươi, lành mạnh, đại biểu cho rằng cần có tư vấn, khuyến khích về mặt tinh thần cũng như đảm bảo tuyệt đối bí mật thông tin.
Đồng tình với việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin là cần thiết, tuy nhiên, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng, việc mở rộng ra nhiều đối tượng như dự thảo luật đang trình Quốc hội là quá rộng và lo ngại điều này chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý của người nhiễm HIV/AIDS.
Đại biểu Triệu Thanh Dung cho biết, trong báo cáo đánh giá tác động của Bộ Y tế sau khi khảo sát ý kiến của 1.800 người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn 27,8% không đồng ý với quy định này do tâm lý sợ bị lộ. Theo đại biểu, có thể một số nhóm cán bộ không được tiếp cận thông tin về người nhiễm sẽ gặp khó khăn trong công việc nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được. "Chúng ta nên đặt mong muốn, nguyện vọng của người nhiễm HIV/AIDS lên trên hết để tạo điều kiện tốt nhất điều trị, chăm sóc cho họ", đại biểu Triệu Thanh Dung nêu ý kiến.
Tại phiên thảo luận, cơ bản các ý kiến đại biểu thống nhất thông qua dự thảo Luật theo quy trình một kỳ họp.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật; về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV; vấn đề phòng, chống HIV/AIDS trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam; trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; đối tượng được tiếp cận thuốc kháng HIV; hỗ trợ điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV; nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS…
Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Đề cập tới Điều 4 Chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ cần có quy định chi tiết về bảo đảm bình đẳng giới, có các biện pháp hỗ trợ lao động nữ, lao động những công việc nhạy cảm, có khả năng bị xâm hại.
Theo đại biểu, thời gian qua có nhiều địa phương thực hiện tốt việc hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp để phát huy kiến thức, chuyên môn kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, có địa phương sự quan tâm rất hạn chế, dẫn đến có bộ phận không nhỏ lao động khi về nước không có việc làm, sau khi hết tiền những lao động này lại đi làm thuê. Nhà nước cần có kế hoạch tạo việc làm cho những lao động này sau khi hết hạn về nước.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số vấn đề liên quan đến: chủ thể đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; về Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực của doanh nghiệp dịch vụ; về vốn chủ sở hữu; về giới hạn số lượng chi nhánh của doanh nghiệp được thực hiện hoạt động dịch vụ; về ký quỹ của doanh nghiệp; về quyền và nghĩa vụ của người lao động, của doanh nghiệp dịch vụ; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của các cơ quan, tổ chức liên quan; về tạo việc làm cho lao động về nước…
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Ngày mai, 24/10, buổi sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về dự án Luật. Buổi chiều, Quốc hội nghe các Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các dự án: Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.