Làm rõ nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá thị trường

Sáng 17/9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục với phần cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng được nhân dân quan tâm.




Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

 

Theo Báo cáo Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, qua gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2003 đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, đồng thời cũng phát sinh những hạn chế, bất cập như: Pháp luật đất đai và các pháp luật khác có liên quan đến đất đai quy định còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn; có quá nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật. Quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất chưa được quy định đầy đủ. Các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất còn chưa phù hợp. Chính sách tài chính đất đai còn bất cập, định giá đất chưa sát với thị trường. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế...

 


Về vấn đề quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai, cơ quan thẩm tra luật đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại để sắp xếp quy định hợp lý, tách bạch rõ các quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và quyền của Nhà nước với tư cách là người quản lý đất đai, lãnh thổ.


Đất đai là hàng hóa đặc biệt, do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị việc thực hiện các hợp đồng về quyền sử dụng đất cần phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để quản lý chặt chẽ và bảo đảm người sử dụng đất thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế. Việc thực hiện các hợp đồng về quyền sử dụng đất cần có 2 thủ tục: Công chứng, chứng thực hợp đồng và đăng ký biến động đất đai.


Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục kế thừa quy định của pháp luật đất đai hiện hành là cho phép người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất được thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, đảm bảo cho người sử dụng đất được thực hiện các quyền của mình. Trên thực tế, nhiều trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà nguyên nhân là do cơ quan quản lý nhà nước về đất đai triển khai chậm.


Dự án Luật đất đai (sửa đổi) có 14 chương, 190 điều, so với Luật hiện hành thì có 21 điều giữ nguyên, 101 điều sửa đổi, bổ sung, điều bổ sung mới. Trong buổi thảo luận đầu tiên, các thành viên UBTVQH đã thảo luận về các nội dung như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ chế thu hồi đất; việc bồi thường, hỗ trợ đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm; thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất; giá đất; thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài để vay vốn và giải quyết tranh chấp đất đai.


Vấn đề thu hút nhiều ý kiến thảo luận là quy định trong dự thảo Luật về nguyên tắc định giá đất: "Giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường".


Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương thẳng thắn đặt câu hỏi với đại diện cơ quan soạn thảo: Thế nào là giá thị trường? Hiện nay trên thực tế có nhiều loại giá đất như: Giá do Nhà nước quy định; giá thị trường; giá thỏa thuận của chủ đầu tư với người dân khi đền bù, giải tỏa, vậy giải quyết tính hài hòa giữa các loại giá này như thế nào? Dẫn chứng trên thực tế có nhiều trường hợp, một số nhà đầu tư sau khi chi phí để Nhà nước thu hồi đất, đền bù cho người dân thì lại bán lại với giá rất cao so với chi phí bỏ ra để kiếm lời, bà Nguyễn Thị Nương tiếp tục nêu vấn đề: Tại sao ở Việt Nam hiện nay có những khu giá đất đắt ngang với đất thủ đô của những nước phát triển trên thế giới, cá biệt có những nơi là đất đắt nhất thế giới?


Cho ý kiến về dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là dự luật lớn liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người dân, do vậy việc soạn thảo cần bám sát thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống để sau khi ban hành có thể đi vào đời sống một cách dễ dàng, thuận tiện. Mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi lần này là cố gắng giải quyết cao nhất những hạn chế, tồn tại về giá, công tác đền bù, giải tỏa; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất của Nhà nước và các quyền lợi của người dân. Đồng thời, luật phải cố gắng giải quyết tình trạng 70% các khiếu nại tố cáo hiện nay đều liên quan đến đất đai.


Về quy định "Giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định như vậy chưa sát với thực tế, phải quy định cụ thể là thị trường nào, thị trường lúc định giá hay thị trường lúc thu hồi để từ đó làm căn cứ đền bù người dân theo giá mới hay giá cũ. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải nghiên cứu kỹ căn cứ thu hồi đất; đảm bảo giảm thiểu được tình trạng khiếu kiện về đất đai.


Quy định trách nhiệm khi liên kết xuất bản


Chiều 17/9, UBTVQH thảo luận về dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi). Theo chương trình, dự thảo Luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) của UBTVQH đã đề cập tới các nội dung cơ bản: Quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản; chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản (Điều 7); thành lập nhà xuất bản; tổ chức, nhân sự của nhà xuất bản; liên kết xuất bản; xuất bản điện tử; in xuất bản phẩm...


Nhằm mở rộng sự tham gia và tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản, UBTVQH cho rằng, cùng với việc chấn chỉnh và tiếp tục phát triển các hình thức liên kết xuất bản như hiện nay, cần công nhận để quản lý chặt chẽ một hình thức liên kết xuất bản mới (trên thực tế đã hình thành một cách tự phát), trong đó đối tác liên kết được thực hiện một số công đoạn ban đầu của khâu biên tập (biên tập sơ bộ) bản thảo và do đó phải cùng với nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về nội dung cũng như chất lượng xuất bản phẩm, còn nhà xuất bản đảm nhận trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh, thẩm định nội dung văn hoá, tư tưởng và quyết định xuất bản xuất bản phẩm. Theo tinh thần đó, cơ sở liên kết xuất bản phải có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động liên kết của mình. Đồng thời, đối với những xuất bản phẩm có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì nhà xuất bản không được liên kết mà phải trực tiếp thực hiện toàn bộ khâu biên tập bản thảo để bảo đảm về nội dung chính trị, tư tưởng.


Đối với quy định xuất bản điện tử, UBTVQH cho rằng, xuất bản điện tử đã xuất hiện và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới cũng như trong nước. Đây là một hình thái mới của hoạt động xuất bản, còn có nhiều thay đổi khó dự báo trước trong thời gian tới. Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) lần này chỉ quy định mang tính nguyên tắc về phương thức xuất bản này và dẫn chiếu các quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong việc quản lý hoạt động xuất bản điện tử trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển rất nhanh.


Quang Vũ - Quỳnh Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN