Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dự Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2017. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Giảm mạnh tình trạng “nợ đọng” văn bảnBộ Tư pháp cho biết: Năm 2016, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng bảo đảm chất lượng, tiến độ so với chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. Toàn ngành đã thẩm định trên 11.800 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (tăng hơn 24% so với năm 2015). Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có nhiều điểm sáng, qua kiểm tra đã phát hiện 659 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền; giảm mạnh tình trạng “nợ đọng” văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được thực hiện khẩn trương, bảo đảm tiến độ. Bộ Tư pháp tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đạt 95,85% so với yêu cầu. Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong trên 530 nghìn việc (78%), vượt chỉ tiêu trên 8%; thi hành xong trên 29 nghìn tỷ đồng (33%), vượt chỉ tiêu trên 3%. Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục thể hiện vai trò trong gắn kết cộng đồng dân cư, bảo đảm ổn định trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, tỷ lệ hòa giải thành, đạt trên 78% (tăng so với 2015)...
Năm 2017, toàn ngành Tư pháp xác định 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung nguồn lực để thực hiện. Các giải pháp thực hiện gồm: Xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, có tính khả thi cao, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương; chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các kế hoạch công tác ngay từ đầu năm; tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ với các cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; chú trọng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đối với đội ngũ cán bộ tư pháp ở cơ sở; phát huy hiệu quả các công cụ quản lý kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và thi đua - khen thưởng…
Nâng cao chất lượng hệ thống pháp luậtChỉ đạo hội nghị, điểm lại những dấu ấn nổi bật của toàn ngành tư pháp trong thực thi nhiệm vụ được giao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao kết quả đạt được của toàn ngành trong năm 2016.
Nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác tư pháp năm 2017, Thủ tướng nêu rõ, đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh. Toàn ngành Tư pháp cần nhận thức rõ tình hình, tổ chức thực hiện tốt tinh thần của Đại hội XII của Đảng. Đó là, đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra giám sát tình hình nhà nước. Việc đưa ra quyết tâm mạnh mẽ từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo phát triển phục vụ người dân và doanh nghiệp, Chính phủ phải triển khai đồng bộ các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hướng vào thị trường.
Thủ tướng nhấn mạnh, luật pháp, chính sách phải phản ứng kịp thời hơn với mọi thay đổi, biến động của đời sống xã hội. Ngành cần chủ động hơn nữa vào xây dựng pháp luật gắn với việc tổ chức thực hiện hiệu quả hơn. Ngành tư pháp phải là cơ quan tham mưu tốt nhất cho Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND cấp địa phương. Hệ thống cán bộ tư pháp phải thực hiện các giải pháp để thể chế thực sự trở thành động lực quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Không được "cài cắm" vào luật nội dung vì lợi ích riêngNhấn mạnh vai trò của ngành Tư pháp, Thủ tướng yêu cầu ngành cần chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đổi mới đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, tập trung rà soát đề xuất hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư kinh doanh, đặc biệt là chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh. Đặc biệt chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, minh bạch, khả thi, giảm các thủ tục hành chính, các rào cản để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp phải làm tốt hơn nữa việc lập chương trình xây dựng pháp luật, bởi đây là vấn đề có ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ, khắc phục cho được tình trạng xin rút, lùi trình các dự án luật, pháp lệnh đã có trong chương trình.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý ngành tư pháp cần làm tốt khâu thẩm định luật pháp, "chống lợi ích nhóm" trong xây dựng, thiết kế pháp luật. "Chúng ta không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một Bộ, ngành nào đó. Bộ Tư pháp cần rút kinh nghiệm và làm gương những việc này, không được "cài cắm" vào luật những nội dung không vì lợi ích chung mà để phục vụ lợi ích riêng của đơn vị, ngành mình hoặc một nhóm người nào đó bị chi phối"- Thủ tướng thẳng thắn yêu cầu.
Thủ tướng cũng cho rằng, Bộ Tư pháp cần tham mưu, thẩm định để khi pháp luật trao quyền cho bất cứ ai đều phải có cơ chế hiệu quả để kiểm soát quyền lực đó, kể cả Thủ tướng. Bộ Tư pháp và ngành tư pháp các cấp cần làm tốt hơn nhiệm vụ theo dõi, thi hành pháp luật, làm tham mưu cho Chính phủ, chính quyền các cấp để khắc phục tình trạng “nhờn” luật trong chính bộ máy Nhà nước và trong toàn xã hội. Ngành Tư pháp chủ động tham mưu về các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong chỉ đạo điều hành hàng ngày.
“Mỗi một vấn đề, khó khăn vướng mắc của người dân, doanh nghiệp đều có nguyên nhân, cũng có thể do thể chế, do thực thi, nhận thức, cách làm của cán bộ. Các đồng chí cần theo dõi sát tình hình đất nước, cảm nhận được hơi thở cuộc sống, có ngay các tham mưu, đề xuất để có phản ứng chính sách kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu Chính phủ đặt ra là quyết liệt hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng bày tỏ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tinThủ tướng chỉ ra Bộ Tư pháp cần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng dữ liệu trên phạm vi cả nước, bảo đảm công khai, minh bạch, kiên quyết chống nhũng nhiễu tiêu cực. Bộ cần quản lý, điều hành mạnh mẽ hơn về công tác thi hành án dân sự; tăng cường kỷ luật kỷ cương trong đội ngũ chấp hành viên; làm tốt chức năng thẩm định các điều ước quốc tế và tham mưu cho Chính phủ, chính quyền các cấp các khía cạnh pháp lý để hạn chế rủi ro trong thương mại đầu tư quốc tế. Cả hệ thống tư pháp phải chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp phòng tránh, nếu để xảy ra cần phải giải quyết tốt nhất các tranh chấp quốc tế, khắc phục ngay tình trạng cứ tranh chấp quốc tế là chúng ta thua trong hầu hết các vụ kiện. Thủ tướng mong muốn ngành tư pháp phải đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, cần định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long: Làm thế nào để Bộ Tư pháp, ngành tư pháp mạnh lên, đúng với vị trí, vai trò nhiệm vụ được giao trong bối cảnh chúng ta thực sự chú trọng công tác xây dựng, thực thi thể chế, Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và Chính phủ cũng nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật?. Phải làm gì để từng cán bộ, chuyên viên Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cả nước phát huy được hết năng lực, trí tuệ, trách nhiệm ?. Thủ tướng băn khoăn khi ở một số cơ quan, bộ phận pháp chế không được coi trọng và quan tâm đúng mức.
Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu phải tái cơ cấu nội bộ ngành tư pháp, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm kiện toàn tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh trong tổng biên chế được giao, trong đó có ngành tư pháp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì tặng nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc.