Đây cũng là cơ sở để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có đức - có tài và nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
Chưa có Luật riêng cho kiến trúc
Tại Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 11/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự án Luật Kiến trúc. Đảm nhận trách nhiệm trực tiếp thực hiện dự thảo Luật Kiến trúc, Bộ Xây dựng khẳng định, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư đã có những bước phát triển quan trọng. Đồng thời, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật...
Tuy nhiên, quá trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: việc quản lý kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc công trình ở đô thị và nông thôn còn thiếu thống nhất, thiếu bản sắc. Các điều kiện hành nghề kiến trúc chưa đầy đủ. Dịch vụ tư vấn kiến trúc chưa đa dạng, chưa có nhiều tác phẩm kiến trúc đặc sắc có giá trị lớn...
Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ, mặc dù đã có một số quy định pháp luật điều chỉnh về kiến trúc nhưng còn tản mạn ở một số văn bản quy phạm pháp luật, thiếu tính hệ thống, chưa thống nhất và đồng bộ. Ngoài ra, chất lượng đội ngũ kiến trúc sư, công tác đào tạo, lý luận phê bình, phản biện chưa đáp ứng yêu cầu trong nước và hội nhập quốc tế.
Thực tế, Việt Nam chưa có một đạo luật riêng về lĩnh vực kiến trúc. Các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến kiến trúc cụ thể về nội dung quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc hiện còn nằm rải rác tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, chủ yếu gồm: Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Di sản văn hóa năm 2014, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014.
Cùng với nhiều địa phương tham gia đóng góp ý kiến về nội dung này, đại diện tỉnh Ninh Bình cũng chỉ rõ, hiện nay, các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực kiến trúc đang nằm rải rác tại nhiều văn bản luật như: Luật Xây dựng, Luật Quản lý đô thị và một số Nghị định, Thông tư có liên quan. Do đó, tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị dự thảo Luật cần phải được rà soát tông quát, cụ thể và đưa vào để xây dựng một bộ luật riêng của lĩnh vực kiến trúc tránh việc chồng chéo, vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện.
Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, các quy định pháp luật về kiến trúc chưa được “pháp điển hóa” trong khung pháp lý chung về kiến trúc mà hiện phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và thường được lồng ghép trong những hoạt động xây dựng nói chung. Vì vậy, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, sự ổn định và chưa thể hiện được vai trò quan trọng cũng như đặc thù của kiến trúc hay hoạt động kiến trúc.
Những bất cập kéo dài
Một trong những bất cập cần kể đến là hệ thống công cụ quản lý kiến trúc còn thiếu và chưa đủ hiệu lực. Trong khi đó, công tác thực thi pháp luật còn hạn chế, có nơi, có lúc còn chậm; thực hiện không đầy đủ. Việc kiểm tra, thanh tra phát hiện và xử lý vi phạm chưa kịp thời, chưa triệt để gây bức xúc trong dư luận.
Sở dĩ có tình trạng này là do khi xây dựng các quy định liên quan đến kiến trúc chưa đánh giá đúng vị trí vai trò, đặc thù và hoạt động quan trọng của kiến trúc. Đánh giá tác động chính sách, tổng kết thực tiễn còn có lúc hình thức, sơ sài, chưa thể hiện được tính liên thông, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến xây dựng, xử lý hài hòa sự thống nhất và tính đặc trưng trong quan hệ giữa xây dựng với kiến trúc, đô thị với nông thôn, giữa khu vực cũng như từng công trình.
Bộ Xây dựng chỉ rõ, về tổng thể, kiến trúc chưa thể hiện được tính thống nhất trong từng vùng, miền, từng khu vực trong đô thị. Thiếu bản sắc nhất là ở khu vực nông thôn, các giá trị kiến trúc truyền thống chưa được chú trọng kế thừa và phát triển.
Đối với đô thị, tổ chức không gian cảnh quan toàn đô thị và từng khu vực, tuyến phố còn thiếu tính kết nối, chưa kết hợp hài hòa hợp lý giữa không gian công cộng, cây xanh, mặt nước, quảng trường, tượng đài và kiến trúc công trình cụ thể; giữa khu vực đô thị hiện hữu, phố cổ với các khu vực, khu đô thị mới; giữa tổ chức chiều cao, mặt bằng, mật độ xây dựng.
Việc thực hiện thiết kế đô thị riêng còn rất chậm và chất lượng thấp. Nhiều công trình vi phạm về quy định về chiều cao, hình thức thẩm mỹ kiến trúc xấu, phá vỡ cảnh quan chung, lộn xộn, chắp vá, lai căng.
Khu vực nông thôn, kiến trúc ngày càng mất bản sắc truyền thống, pha tạp, không phù hợp với cảnh quan tự nhiên, cấu trúc làng, xã và yêu cầu phòng chống thiên tai. Kiến trúc công trình công cộng, nhà ở theo tuyến và nhà ở phân tán không phù hợp với quy hoạch, địa hình tự nhiên, thiếu điểm nhấn.
Cùng đó, quản lý kiến trúc nhiều nơi bị buông lỏng, không kiểm soát được quá trình phát triển xây dựng. Công cụ quản lý chủ yếu như: Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, thiết kế đô thị riêng chưa được quan tâm thực hiện do nguyên nhân khách quan như quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc được ghép chung vào một quy chế.
Trong thực tiễn, các địa phương thường chú ý quy định về quy hoạch để phục vụ lập, phê duyệt quy hoạch chung, lập phê duyệt dự án đầu tư và cấp phép xây dựng chứ chưa quan tâm đến thực hiện quy định về quản lý kiến trúc; trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến quản lý kiến trúc, hoạt động kiến trúc cũng chưa được quy định rõ ràng.
Đáng chú ý, việc xây dựng môi trường hành nghề, điều kiện hành nghề kiến trúc chưa được quan tâm thích đáng. Các quy định pháp luật liên quan hành nghề chưa đầy đủ, thiếu cụ thể, từ điều kiện hành nghề đến trách nhiệm của kiến trúc sư; chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và nguyện vọng chính đáng của kiến trúc sư; không phù hợp với quy định chung của WTO và chưa có quy định cụ thể riêng về dịch vụ kiến trúc.
Bộ Xây dựng dẫn chứng, việc cấp chứng chỉ hành nghề của kiến trúc sư còn bất cập. Theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật này, năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân trong đó có hành nghề kiến trúc được quy định chung về phân hạng chứng chỉ (hạng I, hạng II, hạng III).
Tuy nhiên, ngành kiến trúc là một lĩnh vực có tính đặc thù nghệ thuật, sáng tạo, vì vậy việc phân hạng chứng chỉ là chưa phù hợp. Điều này không khuyến khích sáng tạo nâng cao chất lượng kiến trúc, đảm bảo công bằng đối với các kiến trúc sư, nhất là lực lượng trẻ. Trên thế giới, hầu hết các nước không phân hạng đối với kiến trúc sư hành nghề (trừ Trung Quốc, Nhật Bản, Anh).
Hiện Việt Nam chưa có quy định về phát triển nghề nghiệp liên tục và đạo đức hành nghề của kiến trúc sư cũng là một trong các cản trở của khi thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về các dịch vụ kiến trúc; số kiến trúc sư Việt Nam được cấp chứng chỉ hành nghề của ASEAN còn hạn chế...
Theo Bộ Xây dựng, hiện bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý về kiến trúc chưa được kiện toàn kịp thời. Một số cán bộ, công chức còn hạn chế về năng lực trình độ; quản lý nhà nước về kiến trúc có nơi, có lúc còn buông lỏng. Đặc biệt, chưa phát huy đầy đủ vai trò của cộng đồng, người dân, các tổ chức xã hội trong việc xây dựng và giám sát thực hiện pháp luật.
Tạo hành lang pháp lý
Trước những bất cập này, nhiều ý kiến cho rằng, nếu Luật Kiến trúc được ban hành sẽ tạo công cụ pháp lý có hiệu lực cao để điều chỉnh cơ bản quá trình phát triển và tạo môi trường tốt cho hoạt động kiến trúc; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Đồng thời, phát huy vai trò của kiến trúc sư, các tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc và xã hội trong hoạt động kiến trúc; đảm bảo lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Để tăng tính thực tế, Bộ Tài chính đã đề xuất, dự thảo Luật Kiến trúc cần tham khảo và nghiên cứu, bổ sung kinh nghiệm Luật Kiến trúc của các nước trong cộng đồng ASEAN, các quốc gia có nền kiến trúc phát triển. Đặc biệt, rà soát nội dung quy định trong Luật Kiến trúc về hành nghề kiến trúc có tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và thông lệ quốc tế về hành nghề kiến trúc theo quy định của Hiệp hội kiến trúc sư thế giới UIA mà Việt Nam là thành viên.
Bộ Xây dựng khẳng định, dự thảo Luật Kiến trúc lần này được xây dựng theo tiêu chí phù hợp và thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về kiến trúc. Mục tiêu là xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm trong nước và quốc tế.
Bởi vậy, dự thảo đã đề xuất các chính sách quản lý nhà nước về kiến trúc, hành nghề kiến trúc và thể hiện thành quy phạm pháp luật cụ thể. Đồng thời, bảo đảm sự hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật có liên quan, xử lý tốt các vấn đề chuyển tiếp.
Đặc biệt, dự thảo Luật Kiến trúc cũng hướng tới việc đảm bảo tính minh bạch, khả thi, thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện; đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.