Lập danh sách chính thức ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND

Ngày 14/4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các địa phương đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba thỏa thuận và thống nhất lập danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH khóa XIII và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại Bình Thuận, Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 đã thỏa thuận, thống nhất danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII còn 8 người (giảm 1 người do tự rút tên), trong đó, nữ chiếm 50%, người dân tộc thiểu số 12,5%. Cùng với 3 người của Trung ương giới thiệu về ứng cử, tỉnh Bình Thuận lập danh sách chính thức 11 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, đúng theo quy định, phù hợp với đơn vị bầu cử. Số đại biểu được bầu tại đơn vị tỉnh Bình Thuận là 7 đại biểu. Danh sách chính thức số lượng người ứng cử HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 được lập là 88 người, trong đó nữ 34,1%, trẻ tuổi 15,9%, ngoài đảng 15,9%, tôn giáo 5,7% và dân tộc thiểu số 4,5%. Số đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 được bầu của tỉnh là 53 đại biểu.

Tỉnh Bình Phước đề xuất không đưa 5 người đã có đơn xin không tham gia ứng cử đại biểu HĐND tỉnh vào danh sách chính thức. Như vậy, danh sách ứng cử đại biểu HĐND tỉnh còn 96 người. Theo quy định vẫn đảm bảo về cơ cấu, thành phần và có số dư ít nhất ở mỗi đơn vị bầu cử từ 2 người trở lên. Theo danh sách, nữ 35 người, ngoài Đảng 12 người, tuổi trẻ 29 người, dân tộc thiểu số 7 người.

Sáng 14/4/2011, tại trụ sở UBMTTQ TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Trong ảnh: Các đại biểu bỏ phiếu chọn ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Thế Anh-TTXVN


Tại Phú Thọ, các đại biểu đã thống nhất danh sách 8 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII (chưa tính 3 người do Trung ương giới thiệu) và 119 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2011-2016.

Số đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Phú Thọ được bầu là 7; đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 là 77 đại biểu.

Tại Phú Yên, tỉnh đã giới thiệu 8 người đang công tác và cư trú tại địa phương ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Các ứng viên nói trên đều có trình độ đại học trở lên và đã được cử tri nơi cư trú tín nhiệm 100%. Trong số này, có 3 ứng viên nữ chiếm 37,5% và 2 ứng viên trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) chiếm 25%. Như vậy, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, tất cả 8 ứng viên nói trên cùng với 2 đại biểu được Trung ương giới thiệu sẽ tiến hành vận động bầu cử trên địa bàn tỉnh theo luật định.

Tỉnh Vĩnh Long đã lập danh sách chính thức 8 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và 76 người ra ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016, không có người tự ứng cử ở cả hai cấp. Trong số 8 ứng cử viên ĐBQH khóa XIII của tỉnh Vĩnh Long do Hội nghị hiệp thương lần thứ ba thỏa thuận lập danh sách chính thức có 5 nữ (chiếm 62,5%); 7 người có trình độ từ đại học trở lên, 3 người ngoài đảng và 1 tái cử. Như vậy, Vĩnh Long có 10 ứng cử viên ĐBQH, trong đó có 2 người của Trung ương giới thiệu và tỉnh giới thiệu 8 người để bầu 6 đại biểu.

Về đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, trong số 76 người được Hội nghị hiệp thương lần thứ ba thỏa thuận lập danh sách chính thức có 27 nữ (chiếm 35,52%); 11 trẻ (14,47%); 8 người ngoài đảng (10,52%); có 5 đại biểu của các tổ chức: Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao đài Tiên thiên, Công giáo và 2 đại biểu là người dân tộc Khmer, người Hoa.

Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình thông báo tình hình và kết quả lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, 10/10 người ứng cử đều được cử tri tín nhiệm, đạt 100%. Nhưng do có hai người xin rút không tham gia ứng cử với lý do không đủ năng lực và điều kiện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người đại biểu dân cử nên đại diện các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ tỉnh đã bỏ phiếu kín thống nhất thông qua danh sách chính thức 8 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII (chưa kể hai ứng cử viên do Trung ương giới thiệu) để bầu 6 đại biểu. Trong đó có 3 nữ, 3 người ngoài đảng, 5 người dân tộc thiểu số, 2 thanh niên và 1 người tái cử.

Đại diện các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình cũng đã bỏ phiếu kín lựa chọn 88/118 ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011- 2016 để bầu 60 đại biểu.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN