Lũ và triều cường gây thiệt hại nặng tại các tỉnh ĐBSCL

Những ngày qua, lũ tràn về Tiền Giang kết hợp với triều cường đã gây ngập trên diện rộng các huyện phía tây là Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước và Châu Thành. Thị trấn Cai Lậy nằm kề bên sông Ba Rài tuy đã có tuyến đê bao Đông Ba Rài bảo vệ nhưng nội ô vẫn bị ngập nhiều điểm, phải tổ chức bơm tát quyết liệt. Trường Mầm non (khu 1, Thị trấn Cai Lậy) cả tuần qua phải tạm đóng cửa do mức nước ngập sâu, không đảm bảo việc nuôi dạy các cháu.


Đưa các cháu nhỏ trong vùng lũ ĐBSCL tới khu vực an toàn.Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN.


Tiền Giang chủ động chỉ đạo sản xuất “né lũ, né mặn”. 4 huyện vùng ngập lũ thu hoạch an toàn 43.332 ha lúa hè thu chính vụ trước khi nước tràn về. Tại huyện Cai Lậy, nhân dân và chính quyền địa phương phải khẩn cấp khắc phục nhiều điểm vỡ đê trên cù lao Tân Phong. Dọc hai tuyến đê bao Đông – Tây Ba Rài bảo vệ cho vùng kinh tế vườn trọng điểm phía nam quốc lộ 1 đã phải gia cố, tôn cao bằng hai lớp bao tải cát chồng lên. Có tổng cộng 78 đoạn đê được gia cố thêm với tổng chiều dài trên 35.000 m, khối lượng đất đào đắp trên 36.500 m3. Tại thị trấn Cai Lậy, nhân dân đã khẩn cấp gia cố 4 đoạn đê bao yếu có chiều dài gần 400 m và khối lượng đất đào đắp khoảng 200 m3 nhằm bảo vệ an toàn cho khu dân cư. Huyện Cái Bè cũng hoàn thành gia cố 14 tuyến bờ bao chiều dài gần 42.000 m, đắp 1 đập thời vụ và sửa chữa 72 cửa cống bán kiên cố trước lũ. Huyện Châu Thành gia cố 41 đoạn đê yếu với tổng chiều dài gần 4.000 m. Huyện Tân Phước thi công hoàn chỉnh 16 ô đê bao khép kín bảo vệ trên 2.000 ha vùng trồng dứa (khóm) nguyên liệu thuộc các xã Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông và Thạnh Tân.


Xã Thạnh Mỹ (huyện Tân Phước) là địa bàn thiệt hại nặng ngay trong những ngày lũ mới tràn về. Hiện dọc theo phía nam tuyến kênh Bắc Đông từ Thạnh Mỹ về Tân Hòa Đông nước ngập lai láng, nhân dân phải di dời nhà cửa, đồ đạc, vật dụng, gia súc, gia cầm lên lộ ở tạm qua. Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ, địa phương có trên 600 ha dứa ngoài đê có nguy cơ mất trắng. Trước mắt, đã có gần 110 ha dứa bị nước nhấn chìm và gần 30 nhà dân bị ngập.


Đến ngày 31/10, Tiền Giang đã có 2 trường hợp ở huyện Cai Lậy bị chết đuối, nước làm ngập 460 ha dứa (khóm) ngoài đê bao ở huyện Tân Phước, gần 120 ha hoa màu và gần 6.400 ha cây ăn trái, 5.095 căn nhà, trên 150 ha mặt nước nuôi thủy sản ở 4 huyện đầu nguồn, thất thoát gần 41 tấn cá các loại. Ngoài ra, còn có trên 113 km đường giao thông, 34 điểm trường đã bị ngập, gần 6.000 học sinh vùng lũ phải nghỉ học. Chỉ riêng thiệt hại do lũ gây ra đối với vùng dứa nguyên liệu, thủy sản, đối với hoa màu và do nhà bị ngập đã lên đến trên 20 tỉ đồng.


* 2 ngày qua, nước lũ tại các huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp đã xuống dần. Tại huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông mực nước đã xuống dưới mức báo động 3 và rút dần mỗi ngày từ 2 đến 4 cm, không còn gây áp lực đối với các đê bao bảo vệ lúa thu đông.


Tại các huyện phía nam của tỉnh (phía hạ nguồn), sáng 31/10 triều cường không còn dâng cao như những ngày qua. Thành phố Cao Lãnh và thị xã Sa Đéc nước không còn tràn vào nội ô, chính quyền địa phương đang tiếp tục bơm rút nước và tổ chức lực lượng khắc phục nhanh ô nhiễm môi trường do nước từ các cống trong nội ô tràn lên đường phố. Tại các huyện đầu nguồn tuy nước đã rút, nhưng lực lượng tại chỗ vẫn duy trì công tác bảo vệ đê, bảo vệ an toàn lúa thu đông chưa thu hoạch, đồng thời trong từng ô bao lúa chín đến đâu tổ chức thu hoạch nhanh đến đó đề phòng mưa bão bất thường gây thiệt hại. Các vùng nuôi thủy sản, chủ yếu là cá tra, tôm càng xanh vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt ngày đêm, quyết tâm không để thất thoát xảy ra khi nước lũ vẫn còn ở mức cao.



TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN