“Luật hóa” lĩnh vực thủy lợi, tạo hấp dẫn để xã hội hóa

Dự thảo Luật Thủy lợi được trình tại Kỳ họp lần thứ 2, Quốc hội khóa XIV được kỳ vọng sẽ bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mọi người dân; trong đó có nông dân. Phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu xung quanh nội dung này.

Ngày 8/11/2016, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật thủy lợi và dự án Luật du lịch (sửa đổi). Ảnh minh họa: An Đăng - TTXVN


Đại biểu Lê Viết Chữ (Quảng Ngãi): 
Cần mở rộng thêm về quản lý, sử dụng tài nguyên nước


Tôi rất quan tâm đến Luật Thủy lợi vì đây sẽ là cơ sở pháp lý để quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước, mà tài nguyên nước là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, Luật Thủy lợi chưa bao quát hết các nội dung cần thiết có liên quan đến lĩnh vực này và cần mở rộng thêm về quản lý sử dụng tài nguyên nước.


Bởi vậy, khi thiết kế luật này, không chỉ chú trọng riêng đến vấn đề nâng cấp đê điều của ngành nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên môi trường mà còn nên tương thích với các luật khác nữa. Vì nước là tài nguyên quý giá, hữu hạn nên chúng ta phải sử dụng hiệu quả, tiết kiệm. Do đó, cần đặt trong mối quan hệ kinh tế thị trường xem chỗ nào sử dụng không hiệu quả nguồn tài nguyên này thì không được sử dụng. Tiếp đó là giá cả. Bản chất của cung - cầu là cạnh tranh nên phải tuân thủ cơ chế thị trường, như vậy người ta sẽ sử dụng nó tiết kiệm và hiệu quả.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Đưa phí thủy lợi sang giá dịch vụ là hoàn toàn phù hợp


Dự thảo luật lần này đưa phí thủy lợi sang giá dịch vụ là hoàn toàn phù hợp vì hiện nay đã có Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phí và lệ phí. Nước sạch là tài nguyên quý, không phải chỗ nào cũng có và nó càng ngày càng khan hiếm đi. Nếu chúng ta không quy định ngay từ bây giờ thì sẽ có tình trạng lãng phí, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ nguồn nước.


Tuy nhiên, người dân vẫn chưa quen với các quy định này, nhất là người dân ở các địa phương còn khó khăn bởi có thể sẽ tạo thêm gánh nặng, nhất là vùng khó khăn về nguồn nước. Vì vậy, để giảm khó khăn cho người dân, đề nghị Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan tính toán cách sử dụng công trình thủy lợi như thế nào nhằm đảm bảo mục tiêu vừa tiết kiệm, vừa tái sử dụng nguồn nước hiệu quả. Theo tôi, cũng không nên xây dựng hồ đập lớn như trước mà cần phải hướng tới công nghệ cao, tránh lãng phí và tham nhũng.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Tính toán tác động của công trình thủy lợi đến đời sống người dân và môi trường

Luật Thủy lợi được ban hành là việc rất bức thiết trong thời điểm hiện nay, nhất là khi các hồ thủy lợi và quản lý thủy lợi có nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề đầu tư xây dựng.

Thực tế và các bài học về sự cố gần đây cho thấy, rất cần thiết phải đánh giá tác động, điều tiết nước ở các hồ. Thời gian qua, sự cố tại nhiều công trình thủy lợi đã gây ra hậu quả lớn, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân; ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.


Theo tôi, điều cần quan tâm nhất hiện nay là khi xây dựng hồ đập thủy lợi phải chú ý đến yếu tố đầu tiên là hiệu quả kinh tế và luôn phải song hành, không thể tách rời việc đánh giá tác động của công trình thủy lợi đối với đời sống của người dân cũng như môi trường.


Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước): Nên xã hội hóa lĩnh vực này.


Chính sách xã hội hóa phù hợp với điều kiện hiện nay. Nhiều năm qua, công trình thủy lợi chủ yếu do ngân sách đầu tư bởi dự án thực hiện trong thời gian dài, kinh phí lớn. Bởi vậy, trong nhận thức thì đây luôn là các công trình “bao cấp” nên sử dụng chưa hiệu quả, nhất là không tiết kiệm khi sử dụng nguồn tài nguyên nước. Vì vậy, chủ trương xã hội hóa lĩnh vực này là tốt và phù hơp điều kiện thực tế.


Việc đưa lệ phí thủy lợi sang dịch vụ thủy lợi, tức là tính ra định giá nước phù hợp với cơ chế thị trường, xóa bỏ bao cấp là bước tiến quan trọng. Tuy nhiên phải giải tích, tuyên truyền cho người dân hiểu. Nhà nước cần có chính sách ưu tiên, miễn giảm thuế cho công ty đầu tư thì xã hội hóa mới được đi vào cuộc sống; cần cơ chế cụ thể để thu hút doanh nghiệp tư nhân.


Bên cạnh đó, bộ máy, năng lực, phân cấp quản lý cần được quy định rõ. Cơ chế quản lý đầu tư cần quy định chi tiết phí dịch vụ và nên tham khảo, học hỏi từ các nước cho phù hợp. Việc chuyển đổi từ bao cấp hoàn toàn của nhà nước sang phải đóng thuế sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên nước, có lợi cho người dân.


Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long): Cần có cơ chế để khuyến khích đầu tư

Vấn đề quan trọng cần đặt ra là xây dựng cơ chế đủ để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thủy lợi. Thực tế cho thấy, thủy lợi liên quan đến sản xuất nông nghiệp, thế mạnh của nền kinh tế hiện nay. Hạ tầng thủy lợi đóng góp vào sản xuất nông nghiệp là rất quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, chưa có nhiều vốn đầu tư cho các lĩnh vực hạ tầng. Bởi vậy, việc khuyến khích người dân tham gia là quan trọng, tận dụng được các nguồn lực xã hội. Muốn vậy, cần phải có cơ chế hấp dẫn từ người dân cho đến doanh nghiệp cùng tham gia vào lĩnh vực này.


Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An): Nếu không quản lý chặt, khó đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp.


Việc quản lý khai thác công trình thủy lợi, đảm bảo năng lực tưới tiêu cho khu vực tỉnh Long An hiện nay hiệu quả chưa cao, không quản lý chặt dẫn đến không kiểm soát được. Như vậy sẽ không đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, do tình hình biến đổi khí hậu ngập mặn, hạn hán nên việc ban hành Luật Thủy lợi là cần thiết, để nhà nước có chính sách cụ thể, rõ ràng nhằm đầu tư nâng cao hiệu quả nhóm công trình này. Đặc biệt, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần có chính sách cụ thể hơn để xây dựng đê bao, công trình dự trữ nước ngọt.

Điểm sáng của luật là quy định rõ ràng, cái nào nhà nước hỗ trợ và chỉ rõ đặc thù riêng theo vùng như khu vực miền Trung hạn hán là một ví dụ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần làm rõ chính sách để kêu gọi xã hội hóa; đồng thời huy động vốn từ Trung ương để phát triển thủy lợi.


Thu Hằng - Thành Trung (TTXVN)
Thông cáo số 10 kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV
Thông cáo số 10 kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV

Ngày 2/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp. Quốc hội đã thảo luận về: kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN