Xây dựng một xã hội lưu trữ
Cục trưởng có thể thông tin về những hoạt động của ngành, đặc biệt là kết quả nổi bật sau 12 năm thi hành Luật Lưu trữ năm 2011?
Công tác lưu trữ của một quốc gia quan trọng ở chỗ ngoài việc gìn giữ những bằng chứng lịch sử, bằng chứng về hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước và các hoạt động văn hóa chính trị của một quốc gia, thì các giá trị nó cần phải mang đến, truyền lại cho thế hệ sau là những giá trị nhân văn, giá trị tiến bộ để một dân tộc, một đất nước có được nền tảng cho sự phát triển sau này.
Từ xa xưa, dưới triều đại phong kiến, công tác lưu trữ hồ sơ, văn bản, tài liệu đã được chú trọng. Sau năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm, bằng tầm nhìn của mình đã xác định việc lưu giữ giấy tờ, tài liệu quan trọng cho phương diện kiến thiết quốc gia. Chính vì thế, cơ quan lưu trữ sớm được thành lập, cùng với đó là hệ thống các quy định, văn bản quy phạm pháp luật được dần hình thành và hoàn thiện.
Từ năm 2011, khi Luật Lưu trữ được ban hành, khuôn khổ pháp lý quan trọng cho ngành Lưu trữ cũng như cho sự phát triển của việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là trong 5-7 năm gần đây, bên cạnh sứ mệnh gìn giữ thì sứ mệnh phát huy giá trị tài liệu lưu trữ được chú ý, được quan tâm và tổ chức thực hiện nhiều hơn, không phải chỉ ở Trung ương mà cả các bộ, ngành và địa phương.
Qua đó, giúp cho xã hội nhận thức rộng hơn, đúng đắn hơn, đầy đủ hơn về ý nghĩa, vai trò của tài liệu lưu trữ khi các tài liệu, văn bản về hoạt động của bộ máy nhà nước, của đời sống văn hóa xã hội được mang ra giới thiệu, trình bày dưới các hình thức phù hợp với giới trẻ. Từ đó, xã hội có thêm nguồn thông tin quá khứ chính thức, quan trọng, là nền tảng cho nhận thức, những thay đổi diễn biến tích cực của đất nước ở thời điểm hiện tại, cũng như định hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn.
Thưa ông, Quốc hội vừa thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao. Việc sửa đổi Luật có ý nghĩa như thế nào đối với việc bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ?
Luật Lưu trữ năm 2011 là một văn bản quy phạm pháp luật hết sức quan trọng, đặt nền móng khoa học thực tiễn cho việc gìn giữ các tài liệu lưu trữ vốn có tuổi đời hàng trăm năm, thì đến Luật Lưu trữ (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã nhấn mạnh, khẳng định và mở ra một giai đoạn mới cho ngành Lưu trữ khi cùng với sứ mệnh gìn giữ, sứ mệnh phát huy giá trị của tài liệu được đặt lên hàng đầu. Ngoài mục đích trao truyền lại các thông tin là hồn cốt của văn hóa, dân tộc, nó còn một ý nghĩa hết sức tiến bộ và nhân văn là đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Cơ quan lưu trữ bằng các hoạt động nghiệp vụ của mình đang gìn giữ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để công dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận các thông tin trong tài liệu lưu trữ theo đúng quy định của pháp luật và sử dụng nó như một nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một điểm nổi bật trong Luật sửa đổi là quy định về lưu trữ tư, ông đánh giá thế nào về lưu trữ tư hiện nay?
Trong suốt chiều dài lịch sử, có rất nhiều tư liệu, tài liệu quan trọng thể hiện những giai đoạn lịch sử, những cá nhân, sự kiện lịch sử đang được lưu trữ trong nhân dân. Vì vậy, việc Luật Lưu trữ năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua có một chương riêng về lưu trữ tư, một mặt thể hiện chính sách của Nhà nước về khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để lưu trữ tư phát triển, mặt khác còn nhằm mục đích quan trọng hơn là xây dựng một xã hội lưu trữ, khi nhận thức về giá trị của tài liệu, những thông tin quá khứ thực sự quan trọng cho hiện tại và đặc biệt là cho sự phát triển trong tương lai.
Tôi cho rằng, các quy định về lưu trữ tư trong Luật Lưu trữ năm 2024 sẽ mở ra những cơ hội để cơ quan, tổ chức, cá nhân được khuyến khích, được tạo điều kiện, hỗ trợ để gìn giữ lại những thông tin quá khứ liên quan đến cơ quan, gia đình, dòng họ, cá nhân mình. Đó cũng là một cách khác nữa để trao truyền những giá trị truyền thống của dân tộc và gìn giữ các giá trị có ích cho gia đình, cộng đồng, các cơ sở và tổ chức lưu trữ tư.
Luật được bổ sung quy định theo hướng Nhà nước có trách nhiệm và có những hỗ trợ cần thiết về mặt nghiệp vụ, các chính sách quan trọng, truyền thông để cho lưu trữ tư thực sự cùng với lưu trữ công, trở thành hai thành phần không thể thiếu được của nền lưu trữ tiến bộ, hiện đại của Việt Nam, phù hợp với sự phát triển của cuộc cách mạng thông tin.
Thách thức trong chuyển đổi số
Như ông vừa trao đổi, xây dựng lưu trữ số chính là sứ mệnh của ngành Lưu trữ trong bối cảnh Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Việc này sẽ được thực hiện như thế nào và đầu tư ra sao, thưa ông?
Các hoạt động của Chính phủ số là cách thức mà Chính phủ hoạt động dựa trên nền tảng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin để làm sao có hiệu quả hơn, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong các giao dịch, giữa cá nhân với cơ quan, tổ chức. Vì thế, việc lưu giữ lại những hoạt động đó hết sức quan trọng, với đúng ý nghĩa là gìn giữ lại những thông tin hoạt động của Chính phủ, của Nhà nước ở thời điểm hiện tại, mà chúng ta hay gọi là Chính phủ số, để có thể khai thác rộng rãi và đảm bảo điều kiện tiếp cận thuận lợi cho công dân.
Trước đây, nếu chúng ta muốn tìm hiểu thông tin về hoạt động nào đó của một cơ quan, tổ chức của Nhà nước thì cũng phải sau khoảng từ 5 đến 10 năm mới có cơ hội tiếp cận những tài liệu giấy. Nhưng bây giờ, hoạt động của Chính phủ số, đi cùng với nó là lưu trữ số, thì người dân sẽ có cơ hội sớm hơn rất nhiều, thuận lợi hơn rất nhiều, có thể ngay tại nhà, để tìm kiếm những thông tin đó.
Ngoài chuyện tìm kiếm thông thường, với sức mạnh công nghệ số, sức mạnh của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tới đây, với đầu tư của Nhà nước, ngành Lưu trữ sẽ mang đến cho người dân thêm cơ hội để có thể khai thác, không phải chỉ là thông tin của một văn bản, mà là thông tin tri thức tổng hợp của nhiều văn bản, trải qua nhiều thời kỳ về cùng một nội dung, để có được một bức tranh toàn cảnh về thông tin từ quá khứ cho đến thời điểm hiện tại. Theo tôi, lưu trữ số không chỉ quan trọng, mà nó còn hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh thực hiện Chính phủ số, cũng như chuyển đổi số ở Việt Nam.
Ông có thể chia sẻ thêm về những khó khăn, thách thức của ngành Lưu trữ tới đây, cũng như việc chuẩn bị ban hành các văn bản hướng dẫn, các công việc để đưa Luật Lưu trữ (sửa đổi) đi vào cuộc sống?
Luật Lưu trữ năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Đây sẽ là giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành Lưu trữ, để không chỉ làm tốt sứ mệnh gìn giữ các thông tin quá khứ, gìn giữ hồn cốt của dân tộc như là một dấu ấn quan trọng nhất của Luật Lưu trữ năm 2011, mà còn khẳng định và định hướng những hoạt động phát huy giá trị của tài liệu, để gìn giữ và phát huy sẽ trở thành hai thành tố không thể thiếu được, cơ hữu và quan trọng như nhau, làm cho các thông tin trong tài liệu lưu trữ thực sự có ích, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện tại, Bộ Nội vụ đã chỉ đạo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các nghị định, các thông tư cần thiết để đưa luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, ở bất kỳ một bước chuyển đổi nào cũng đều có những thách thức. Bên cạnh những cơ hội thì với những thách thức cũng cần phải tập trung nguồn lực và có tiếp cận rõ ràng để vượt qua được. Một trong những thách thức của ngành Lưu trữ trong giai đoạn hiện tại cũng như những năm tới đây chính là việc chuyển đổi số.
Chuyển đổi số ngành Lưu trữ không chỉ là việc đầu tư một vài trung tâm dữ liệu, là những việc đơn giản như tổ chức số hóa và khai thác tài liệu số hóa đó, mà điều quan trọng nhất đối với chuyển đổi số trong lưu trữ cũng như nhiều ngành khác, đó là chuyển đổi năng lực xử lý công việc của chính công chức mà trước đây chưa từng được đào tạo, bồi dưỡng hoặc trang bị các kiến thức cần thiết để làm việc trong môi trường lưu trữ số mới.
Ngoài ra, công nghệ thì luôn luôn thay đổi và tốc độ thay đổi công nghệ càng về sau sẽ càng nhanh. Cần phải xem xét, đề xuất với Nhà nước để đầu tư những công nghệ phù hợp với việc lưu trữ, bởi vì chúng ta có nhiệm vụ gìn giữ không chỉ trong vòng 5 năm, 10 năm, 50 năm, mà có trách nhiệm gìn giữ vĩnh viễn các thông tin, các tài liệu. Vấn đề đặt ra là lựa chọn công nghệ và tham mưu đề xuất việc đầu tư sử dụng công nghệ đó trong lưu trữ, cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng, làm mới đội ngũ những người làm lưu trữ truyền thống trước đây để không những phù hợp và làm việc được trong môi trường mới, mà còn phải phát huy được, khai thác được. Chỉ có như thế những nguồn lực đầu tư của Nhà nước mới thực sự hiệu quả. Đó chính là những thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội phát triển của ngành Lưu trữ trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!