Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) xung quanh những bất cập cần khắc phục, bổ sung một số vấn đề nổi cộm để điều chỉnh về chính sách liên quan đến kiểm toán nhà nước. Đồng thời, Luật phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, tôn trọng hợp đồng, phát huy trí tuệ, sáng tạo của nhà đầu tư cũng như cần có trách nhiệm chia sẻ rủi ro hợp lý nếu dự án bị ảnh hưởng doanh thu vì lỗi của cơ quan Nhà nước.
Thưa đại biểu, theo dự kiến, ngày mai 28/5 Quốc hội sẽ thảo luận xung quanh dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Vậy, theo đại biểu cần bổ sung, hoàn thiện gì để khắc phục những bất cập hiện hành cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển?
Về Luật Đầu tư PPP, trước nay tôi vẫn có quan điểm rõ ràng, là đối tác công tư phải đảm bảo bình đẳng và thực chất, tránh tình trạng chỉ nói trên giấy. Bởi khi ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp thì doanh nghiệp chỉ là một thực thể trong đó mà theo Luật Dân sự đó là sự bình đẳng. Vì thế, không thể sau khi ký hợp đồng xong, cơ quan quản lý lại lấy quyền để đè lại doanh nghiệp. Đây là sự bất bình đẳng, vi phạm hợp đồng vì hợp đồng còn cao hơn luật. Hơn nữa, Luật chỉ giao nghĩa vụ còn hợp đồng phải đảm bảo bổn phận và trách nhiệm của các bên nên độ tin cậy sẽ rất cao.
Ở một khía cạnh khác, Luật phải đặt lợi ích của nhà đầu tư lên vị trí số 1 vì nhà đầu tư không thể "chết" khi đầu tư và cùng với đó là lợi ích của người dân. Chẳng hạn, nếu đầu tư làm một con đường, đầu tiên người dân được hưởng lợi kéo theo các doanh nghiệp khác được hưởng theo. Bởi, người dân mất đất, mất nhà, mất cả cơ hội kinh doanh do quá trình đầu tư con đường đó. Tiếp theo đó mới là lợi ích của Nhà nước, vì Nhà nước thu lợi từ những thứ không thể nhìn thấy được như: thuế, sự phồn vinh của đất nước, sự giàu có hoan hỉ của người dân. Đó chính là cái đích của Nhà nước.
Cùng với đó, quá trình kiểm toán các dự án phải được thực hiện sau khi dự án PPP đã được hoàn công. Bởi, khi bắt đầu đưa vào quá trình sử dụng lúc đó tất cả còn mới toanh phải kiểm toán ngay, tránh tình trạng dùng cũ khiến vênh số liệu và tạo sự mất tin tưởng cho quá trình đầu tư cũng như phê duyệt.
Liên quan đến Luật Đầu tư (sửa đổi), xin đại biểu chia sẻ những vướng mắc về quy trình, thủ tục đầu tư và làm rõ những vấn đề liên quan đến Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản chỉ đạo?
Đây là vấn đề liên quan đến đầu tư công và nhiều Luật khác nhau, không giống như Luật Đầu tư thông thường. Nếu là Luật Đầu tư thông thường thì đây là luật chung cho tất cả các lĩnh vực đầu tư, còn với đầu tư công là cho các dự án của Nhà nước; trong đó, phân ra các loại nhóm.
Theo đó, có trường hợp do Quốc hội quyết định về chủ trương, có trường hợp do Thủ tướng quyết định hay có những trường hợp lại do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định và giao cho các địa phương triển khai.
Trong quá trình triển khai liên quan đến việc đầu tư tiền từ phần vốn do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong trường hợp này tùy theo nhóm đầu tư mà phân định rõ chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, quy trình đầu tư phải tuân theo Luật Đầu tư như: đầu tư vào vị trí nào, thu hồi đất ra sao hay đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng cũng như đảm bảo quốc phòng an ninh.
Việc người nước ngoài có được mua dự án của doanh nghiệp trong nước; trong đó, có cả doanh nghiệp Nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp Nhà nước cũng như là doanh nghiệp trong nước thì tỷ lệ vốn được mua là bao nhiêu.
Thủ tướng có quyền ngăn chặn một số việc chuyển nhượng dự án cho doanh nghiệp nước ngoài nếu thấy rằng điều đó không có lợi cho quốc phòng an ninh cũng như kinh tế của đất nước.
Trường hợp này đã có quy định trong Luật Đầu tư và quy trình tương đối chặt chẽ, khép kín. Dù vậy, trong trường hợp đầu tư thông thường phải hết sức lưu ý tránh tình trạng phát sinh thủ tục và tạo ra những rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội cũng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét chủ trì cùng các bộ ngành để rà soát toàn bộ thủ tục liên quan đến đầu tư Trung ương và địa phương, tránh tình trạng doanh nghiệp bị hành về mặt thủ tục.
Ngoài ra, quá trình đầu tư liên quan đến vay tín dụng, phải đảm bảo các doanh nghiệp vay vốn gặp thuận lợi, tránh tình trạng cho vay dở chừng. Chẳng hạn dự án đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, ngân hàng đồng ý cho vay nhưng mới được 20 tỷ đồng lại không cho vay tiếp. Điều này khiến doanh nghiệp đầu tư dở dang và tổ chức tín dụng vào chiếm lại dự án đó. Đây là việc dùng thủ thuật tín dụng để chiếm đoạt dự án và doanh nghiệp.
Trường hợp này đã xảy ra tại nhiều đơn vị như tại Thái Bình, doanh nghiệp đang kiện đòi Nhà nước bồi thường 7.000 tỷ đồng vì ngân hàng cho vay vốn nửa chừng sau đó cắt vốn.
Bởi cho vay dự án là một tổng thể, không thể cho vay nửa chừng lại dừng lại vì doanh nghiệp phụ thuộc ngân hàng và cần ý tưởng đầu tư để làm lợi cho đất nước.
Trong quá trình đầu tư có rất nhiều vấn đề, chỉ tiếc rằng ý kiến của một số đại biểu hơi chung chung, không đi vào trọng tâm nên rất muốn Ban soạn thảo cần hết sức lưu ý.
Ngoài ra, một vấn đề nữa tôi muốn đề xuất trong Luật Đầu tư (sửa đổi) cần phải có là chính sách đặc biệt với những doanh nghiệp đặc biệt gồm sản xuất những sản phẩm đặc biệt, sử dụng những vật liệu quý hiếm đặc biệt, phục vụ cho quốc phòng an ninh và quốc kế dân sinh ở tầm cao. Do vậy, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ và bảo vệ đặc biệt, thậm chí phải đứng ra đặt hàng và bù lỗ.
Xung quan Luật Môi trường sửa đổi, xin đại biểu nhận định về những yếu tố liên quan về kinh tế, đầu tư mà đơn cử như vụ việc đề xuất trả lại dự án Bến Lức - Long Thành?
Trong Luật Môi trường, tôi rất để ý tới hai vấn đề bởi có sự móc xích với nhau là môi trường không khí và môi trường đô thị.
Hiện nay, chúng ta mới ghép vào môi trường không khí ở đô thị là nguy hiểm nhất và Hà Nội là điểm có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất toàn quốc, khu vực miền Tây và Tây Nguyên có điểm xanh lớn nhất.
Tôi mới nhận được kiến nghị của doanh nghiệp đề nghị đầu tư hai công trình môi trường thuộc loại tầm cỡ ở Việt Nam.
Theo đó, họ đã khảo sát 56 km dọc hai bờ sông Hồng và sông Đuống cũng như đề nghị thành phố Hà Nội cho phép trồng rừng 80 triệu cây với tổng chi phí 240 tỷ đồng để tạo ra hai lá phổi giữa động mạch sông Hồng, bảo vệ trái tim Thủ đô.
Do vậy, tôi đã chuyển đơn tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo thành phố Hà Nội nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa có động thái gì. Bởi việc này liên quan đến các dự án bên sông và nếu tiếp tục làm dự án bên sông sẽ ảnh hưởng đến không khí, nước và nguồn nước thải bị đẩy xuống sông gây hỏng hết toàn bộ nguồn nước mặt sông Hồng.
Vì thế, 1 năm nếu trồng được 80 triệu cây sẽ có hai lợi ích to lớn vì một năm sản xuất ra hàng nghìn tấn ô xi và khử hàng nghìn tấn các bon. Hơn nữa, việc đầu tư này cũng tạo ra cảnh quan mới và vị thế du lịch Hà Nội sẽ thực sự đạt chuẩn xanh sạch đẹp nhưng rất tiếc Hà Nội vẫn chưa triển khai ý kiến này của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, tại tờ trình thứ 2 gửi Thủ tướng đề xuất việc trồng 400 ha rừng tại bán đảo Thanh Đa giữa lòng TP Hồ Chí Minh thì TP Hồ Chí Minh đã triển khai ngay và mới đây Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh đã làm việc trực tiếp với doanh nghiệp. Tại khu vực này có dự án 25 năm là dự án treo, 27 ha quy hoạch đất của dân và giờ đây đã chuyển sang làm dự án 400 ha rừng.
Điều tôi muốn nói ở đây là nếu làm được như vậy, môi trường không khí nói chung và môi trường đô thị nói riêng sẽ được cải thiện rất nhiều nhưng phải ghi vào Luật về đảm bảo cây xanh và trồng rừng cho các đô thị đặc biệt.
Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!