Quan tâm đến dự thảo Luật này, PGS. TS. Bùi Thị An (nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII) cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là dự án Luật đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội, cũng như sự phát triển chung của cả nước. Điều 4 trong dự thảo Luật được coi là "điểm sáng" trong bộ luật này, với quy định về điều khoản cho phép Hà Nội có quyền phủ định những nội dung không phù hợp, trao quyền mạnh hơn cho Thủ đô Hà Nội.
Trên tinh thần đó, PGS. TS. Bùi Thị An kỳ vọng trao cho người đứng đầu Thủ đô quyền được quyết "vượt rào". Đơn cử, về vấn đề thu hút nhân tài, tuyển biên chế, chi trả lương, điều chỉnh tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức... Hà Nội đang có tỷ lệ biên chế thấp nhất so với quy định về biên chế công chức, viên chức chung quốc gia, nên việc trả lương phải dựa trên tổng quỹ lương khi sử dụng hết các biên chế của Hà Nội sẽ tăng cao. Nếu người đứng đầu Thủ đô có quyền quyết "vượt rào", quy trình sẽ không chậm trễ như hiện tại, không bỏ phí nguồn lực, không chảy máu chất xám.
Theo PGS. TS. Bùi Thị An, từ thực tiễn thí điểm mô hình chính quyền đô thị Hà Nội đã phân cấp uỷ quyền hai mảng chính là quản lý Nhà nước và thủ tục hành chính. Điều chỉnh bổ sung phân cấp cho cấp huyện đối với 9 lĩnh vực liên quan đến vấn đề dân sinh, với ít nhất 210 nhiệm vụ chính được phân cấp. Vì vậy, Điều 4 dự thảo Luật sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội. Nhất là vấn đề giao thẩm quyền cho thành phố thuộc TP Hà Nội phải cao hơn thẩm quyền cấp huyện, nhằm tạo tiền đề bứt phá.
Tầm quan trọng của Điều 4 trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bao quát trên tất cả các lĩnh vực, từ văn hoá, giáo dục đến môi trường, quản lý tài nguyên đất, tạo ra những thay đổi căn bản và mang tính đột phá, với tinh thần trao quyền "quyết định" nhiều hơn cho Thủ đô trong việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quyết định khác biệt so với quy định chung của cả nước. Tuy nhiên, cũng còn một số quy định chưa rõ ràng, như vấn đề khai thác, phát triển thành phố hai bên sông Hồng, sử dụng quỹ đất sông Hồng, sông Đuống... Đây là nội dung cần hoàn thiện.
Ngày 24/5, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong đó, Kết luận chỉ ra việc cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống phục vụ phát triển kinh tế xã hội, du lịch, dịch vụ.
Tiếp thu chủ trương này, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung nội dung giao UBND TP Hà Nội thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê, bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều. Trong đó, đất tại bãi sông, bãi nổi có thể được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm để phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng về quỹ đất, vị trí địa lý, không gian văn hóa ở các khu vực này.
Đây là nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành, chuyển thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ về Thủ đô Hà Nội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong việc phát huy tiềm năng, tận dụng quỹ đất sẵn có, phù hợp với mục tiêu quản lý và bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai; tạo cơ chế, chính sách để khai thác nguồn lực tốt nhất để phát triển Thủ đô trong khuôn khổ luật pháp.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có nhiều điểm mới, đưa ra những cơ chế vượt trội để Hà Nội có thể phát triển... Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương và 54 điều.