Luật Xây dựng năm 2014 được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động đầu tư xây dựng phù hợp với thực tiễn của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Xây dựng năm 2014 đã xuất hiện một số vướng mắc, hạn chế, bất cập; đồng thời, xuất hiện yêu cầu mới đòi hỏi cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật này.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Đã có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu tại các Tổ và tại Hội trường. Sau kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban KH,CN&MT phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị đại biểu QH.
Đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật cùng với phạm vi điều chỉnh và tên gọi như dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị sửa đổi phạm vi điều chỉnh là hoạt động xây dựng để bao quát hơn, mở rộng phạm vi điều chỉnh, sửa đổi toàn diện Luật, gồm cả những vấn đề mang tính cấp bách như thanh tra xây dựng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu...
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với đa số ý kiến ĐBQH là tán thành sự cần thiết ban hành Luật cùng với phạm vi điều chỉnh và tên gọi như dự thảo Luật. Luật Xây dựng hiện hành có hiệu lực từ đầu năm 2015, một số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật mới được ban hành, việc đánh giá, tổng kết chưa thể đầy đủ, toàn diện. Vì vậy, trước mắt chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung thuộc 3 nhóm chính sách lớn như Chính phủ đã trình Quốc hội trong Tờ trình số 366/TTr-CP ngày 28/8/2019.
Nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi Luật Xây dựng phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch… và các dự án Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT và Ban soạn thảo cùng các cơ quan liên quan đã rà soát kỹ các luật liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo pháp luật trong việc: Sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn trong dự thảo Luật cho phù hợp với Luật Đất đai; cân nhắc việc sử dụng hợp lý thuật ngữ “phá dỡ” trong dự thảo Luật này và Luật Nhà ở với thuật ngữ “tháo dỡ” trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung quy định về chủ đầu tư, nhà đầu tư trong dự thảo Luật để thống nhất với quy định về nhà đầu tư trong Luật Đầu tư; thống nhất khái niệm về nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trong dự thảo Luật và Luật Nhà ở...
Bên cạnh đó, không ít ý kiến đề nghị, cần rà soát tính đồng bộ của các dự án Luật để đảm bảo quy hoạch xây dựng thống nhất với các loại quy hoạch khác; bổ sung quy hoạch quốc gia, xem lại quy hoạch xây dựng vùng cho phù hợp với Luật Quy hoạch.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, các nội dung quy định về quy hoạch xây dựng tại Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Luật Xây dựng 2014 đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật Quy hoạch; đã làm rõ loại quy hoạch nào thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch nào là quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành; đồng thời, đã quy định cụ thể về điều kiện, trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có phát sinh vướng mắc liên quan tới việc tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu của khu chức năng. Do đó, quy định này được sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tại Điều 34 như trong dự thảo Luật...
Đặc biệt, vấn đề thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng (sửa đổi, bổ sung một số Điều của Chương III, Chương IV), đây là vấn đề đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, nên nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục thẩm định còn phức tạp, kéo dài, đề nghị liên thông, đồng bộ hóa các luật có liên quan về cùng một nội dung thẩm định, cấp phép; làm rõ nội dung về trách nhiệm trong hoạt động thẩm định.
Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, trong dự thảo Luật đã phân định rõ việc thẩm định đối với từng loại dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan như đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 56); phân định nội dung, trách nhiệm cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu trong công tác thẩm định dự án, thiết kế xây dựng (Điều 56, 82).
Việc thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở đã tích hợp với việc cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn giấy phép xây dựng (điểm g, khoản 2, Điều 89). Để cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định, Điều 56, Điều 82 dự thảo Luật cũng đã quy định chủ đầu tư có thể trình các cơ quan có thẩm quyền hồ sơ dự án, thiết kế xây dựng, thực hiện song song, đồng thời các thủ tục trong quá trình thẩm định. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung một điều mới (Điều 87a) quy định về quyền, trách nhiệm của tổ chức thẩm tra thiết kế xây dựng.
Ngoài ra, một số ý kiến của đại biểu QH đề nghị cần có giải pháp hạn chế quy hoạch “treo”; cần cấp phép xây dựng có thời hạn trong các khu đất có quy hoạch chậm triển khai để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Về quy hoạch chậm triển khai thực hiện, pháp luật về quy hoạch xây dựng đã có quy định về rà soát quy hoạch để kịp thời xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển (Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị và Điều 15 Luật Xây dựng). Luật Xây dựng hiện hành đã có quy định về việc xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ có thời hạn trong vùng quy hoạch. Trên thực tế, có nhiều quy hoạch triển khai quá chậm trễ, kéo dài so với quy định đã gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới đời sống và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 49 Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật đã được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong các khu quy hoạch chậm triển khai tại Điều 94 như trong dự thảo Luật...
Ngoài các nội dung lớn nêu trên, dự thảo Luật đã được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý theo các ý kiến góp ý cụ thể của các vị đại biểu QH, về nguyên tắc cơ bản và chính sách khuyến khích của Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng, về vật liệu xây dựng, về trách nhiệm quản lý Nhà nước... cũng như chỉnh sửa về văn phong, kỹ thuật văn bản. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT và Ban soạn thảo cũng thống nhất rà soát, chỉnh lý nội dung của dự thảo Luật, nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.