Mấu chốt làm nên thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Phát biểu tại lễ ra mắt Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ có thể thành công khi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên, người đứng đầu các cấp nhận thức đúng về trách nhiệm, tự giác làm đúng, làm tốt công việc được giao...

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị. 

Sáng 17/8, tại Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2022-2025, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức ra mắt Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh gồm 15 thành viên, do ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có 5 Phó Trưởng ban; trong đó, ông Lê Thanh Liêm - Trưởng Ban Nội chính Thành ủy làm Phó Trưởng ban Thường trực. 9 Ủy  viên của Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của Thành phố như Giám đốc Sở Tư pháp, Chánh Thanh tra, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố,…

Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, việc công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo nhằm khẳng định trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố về quyết tâm đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Trung ương khóa XIII; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đồng thời cũng để hệ thống chính trị và nhân dân hiểu, tiếp tục quan tâm, theo dõi và ủng hộ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng bộ Thành phố.

Nêu một số vấn đề cần quan tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sắp tới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, đây là nhiệm vụ thường xuyên và rất quan trọng của công tác xây dựng - chỉnh đốn Đảng và của hệ thống chính trị; cũng là thử thách đối với Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ và từng cá nhân được phân công.

“Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng cơ quan, tổ chức nào mà là nhiệm vụ của toàn Đảng bộ, toàn hệ thống chính trị Thành phố, của các ngành, các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, chúng ta rất cần sự đồng tình ủng hộ và giám sát của nhân dân. Đây là công việc thường xuyên, liên tục, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, bằng nhiều biện pháp đồng bộ từ chính trị, tư tưởng, tổ chức đến hành chính, kinh tế và pháp luật” – ông Nguyễn Văn Nên  nhấn mạnh.

Đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở một lần nữa nghiên cứu sâu để nhận thức đúng về yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn mới, ông Nguyễn Văn Nên chỉ đạo, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là chính. Vì vậy, trước hết phải quan tâm chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy chế, quy định nhằm chủ động phòng ngừa, khắc phục các nguyên nhân, điều kiện xảy ra tham nhũng và tiêu cực, nhất là ở những lĩnh vực, ở lĩnh vực mà cơ quan, đơn vị và vị trí công tác có nhiều nguy cơ, có rủi ro cao. Phải gắn công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với lãnh đạo, tổ chức thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, xem đây là nhiệm vụ song trùng. 

Chú thích ảnh
Ra mắt Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực TP Hồ Chí Minh. 

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ có thể thành công khi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên, người đứng đầu các cấp nhận thức đúng về trách nhiệm, tự giác làm đúng, làm tốt công việc được giao; tự giác bảo vệ danh dự, nhân phẩm, luôn có đủ bản lĩnh để vượt qua khó khăn, thử thách, vượt qua những cám dỗ đời thường trong cuộc sống. Đồng thời chúng ta cũng đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực bằng những việc làm cụ thể, trong từng công việc cụ thể; bảo đảm sự công khai, minh bạch, dựa vào nhân dân và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, xuyên tạc, hãm hại người tốt”. 

Ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo chủ động xây dựng kế hoạch công tác theo nhiệm vụ phân công trên tinh thần công minh, chính trực, khách quan, không nể nang, không né tránh, không ngại va chạm, đặc biệt là nguyên tắc hoạt động tôn trọng, không cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị… Việc thành lập Ban Chỉ đạo còn mang một ý nghĩa để tất cả cán bộ yên tâm, tin tưởng, cung cấp thông tin, đề xuất, kiến nghị, phản ánh những vấn đề liên quan; khắc phục tình trạng có nơi, có chỗ còn ngại, e sợ không dám làm...

Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI diễn ra trong một ngày, với nội dung trọng tâm là thảo luận nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính  trị và 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội; đề xuất các kiến nghị Trung ương ban hành nghị quyết mới về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.

Tin, ảnh: Xuân Khu (TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Sáng 17/8/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN