UBND tỉnh Hà Tĩnh có công văn chỉ đạo Tiểu ban an toàn nghề cá, Bộ đội biên phòng và các huyện ven biển thường xuyên cập nhật và nắm bắt diễn biến bão số 8, đồng thời nắm chắc số lượng tàu, thuyền của ngư dân đang đánh cá trên biển hướng dẫn cho họ biết để vào nơi trú ẩn an toàn.
Tại Hà Tĩnh có 2.216 tàu thuyền đang hoạt động trên biển với gần 9.000 ngư dân, trong đó tàu đánh bắt xa bờ là 47 chiếc với 329 ngư dân chủ yếu hoạt động ở vùng biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá, còn lại là thuyền đánh bắt ven bờ. Có hai tàu đang đánh bắt hải sản ở vùng biển Bình Thuận đã vào nơi trú ẩn an toàn.
Ông Từ Đức Bé, Phó Chủ tịch xã Thạch Kim huyện Lộc Hà cho biết: Chính quyền xã cùng với Đồn biên phòng 164 đã tuyên truyền cho ngư dân biết hướng đi của cơn bão và triển khai các biện pháp ngăn cấm tàu thuyền ra khơi khi có mưa to, gió lớn. Hiện tại, âu thuyền Cửa Sót xã Thạch Kim đã có hàng chục chiếc tàu, thuyền về neo đậu tránh bão.
Các huyện ven biển Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh đôn đốc chính quyền cấp xã hướng dân ngư dân đưa tàu, thuyền về nơi trú ẩn an toàn, đặc biệt là những tàu lớn phải vào trú ẩn tại các cửa sông như Cửa Hội (Nghi Xuân), Cửa Sót (Lộc Hà), Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) và Cửa Khẩu (Kỳ Anh).
* Tỉnh Quảng Trị tập trung kêu gọi tầu thuyền đang hoạt động ngoài khơi vào nơi trú ẩn an toàn; thông báo cho người dân ở khu vực vùng trũng thấp gần cửa biển neo đậu tàu thuyền, gia cố nhà cửa, đảm bảo an toàn hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất khi bão số 8 đi vào đất liền.
Thiếu tá Bùi Văn Bình, phòng tham mưu Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết: Đến 8 giờ ngày 26/10, gần 2.500 phương tiện tàu thuyền với hơn 6.300 thuyền viên đang hoạt động đánh bắt hải sản tại các vùng biển gần bờ như: Đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Huế và gần Cửa Tùng, Cửa Việt đã được Trạm kiểm soát thông tin Bộ đội Biên phòng tỉnh thông báo thông tin về tình hình hướng đi của bão số 8.
Hiện các tàu, thuyền ngừng khai thác đang di chuyển vào bờ để tránh trú. Lực lượng Biên phòng tại các Đồn Cửa Tùng, Cửa Việt đang tổ chức lực lượng giúp dân neo đậu tàu thuyền vào nơi quy định, quản lý các phương tiện tàu thuyền không cho ra khơi trong thời điểm này. Bộ đội Biên Phòng tỉnh cử các đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống tại 4 đồn Biên phòng tuyến biển đảo và Hải đội 2.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính cũng có công điện yêu cầu các huyện ven biển, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm; kiểm tra hướng dẫn việc sắp xếp tàu thuyền tại các khu neo đậu, tránh trú bão đảm bảo an toàn người và phương tiện; triển khai lực lượng, phương tiện thu hoạch sản phẩm nông nghiệp; rà soát và thông báo đến các khu vực dân cư đang sống ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất về người và tài sản khi bị ảnh hưởng của bão.
* Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Bình Định cho biết: Đến sáng 26/10, tỉnh có 7.756 tàu với 49.577 lao động hành nghề trên biển. Hầu hết số tàu thuyền này đều đã nhận được thông tin về bão số 8 và đang di chuyển ra khỏi khu vực ảnh hưởng của bão và vào bờ neo đậu an toàn.
Trước đó, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh cũng đã ra công điện khẩn gửi đến các Ban, Phòng chống lụt bão các địa phương và cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường công tác liên lạc kêu gọi và kiểm đếm tàu thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn. Triển khai phương án trực 24/24 giờ theo dõi diễn biến của bão để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đạt hiệu quả tốt nhất; huy động lực lượng tiếp tục thu hoạch lúa và hoa màu, tránh thiệt hại khi mưa bão đến.
Phóng viên TTXVN tại các địa phương