Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, đại diện lãnh đạo 9 tỉnh giáp biên giới với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Trong những năm qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến rất phức tạp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ cao và không gian mạng để hoạt động manh động, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để chống trả khi bị truy bắt, gây nhiều khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, bắt giữ.
Cùng với đó, số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện trong toàn quốc vẫn còn ở mức rất cao (chiếm 0,23% dân số cả nước). Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy có mặt ở hầu hết các địa phương, thành phần, lứa tuổi và đặc biệt có xu hướng gia tăng và lan rộng trong thế hệ trẻ. Qua đó tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự tại nhiều địa phương; ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng lao động của xã hội và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
Nhận thức rõ về thực tế tình hình và nguy cơ của ma túy, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ giải quyết “nguồn cầu”, tấn công mạnh mẽ “nguồn cung” và giảm thiểu nguy cơ, tác hại của ma túy.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy; triển khai hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy theo hướng đa dạng hóa các nội dung, hình thức, trong đó tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, các nhóm nguy cơ cao, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động để từng bước nâng cao sức “đề kháng” của toàn xã hội đối với hiểm họa ma túy.
Các địa phương cũng tổ chức xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm; xã, phường, thị trấn không ma túy; tiến tới xây dựng địa bàn cấp huyện, cấp tỉnh không ma túy. Cùng với đó, các địa phương phải tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp “giữ sạch” đối với những địa bàn đã đạt tiêu chí, bảo đảm hiệu quả bền vững, tuyệt đối không để ma túy phát sinh trở lại.
Các lực lượng chức năng tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn “nguồn cung”, triệt phá các tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện.
Tại Nghệ An, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện và nhân rộng Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch ma túy”, đến nay, toàn tỉnh đã có 227/460 địa bàn cấp xã được công nhận “sạch về ma túy”, trong đó, có 5 địa bàn cấp huyện đạt 100% địa bàn cấp xã “sạch về ma túy”. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn tiềm ẩn phức tạp, ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào Nghệ An chưa được ngăn chặn triệt để, số người nghiện ma túy còn khá nhiều là điều kiện phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội.
Cũng tại buổi lễ, nhiều tập thể, cá nhân của tỉnh Nghệ An đã được tặng bằng khen của Bộ Công an, của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An do có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện và nhân rộng Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy”.