Mở rộng hợp tác giáo dục với Hoa Kỳ

Ngày 20/8, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết mở rộng Chương trình hợp tác giáo dục đại học ngành kỹ thuật (HEEAP) với Hoa Kỳ. Tham dự lễ ký có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tập đoàn Intel và Đại học bang Arizona.


 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (hàng sau, thứ ba từ phải sang) chứng kiến lễ ký kết.

 

Chương trình HEEAP được khởi xướng từ năm 2010 với sự hỗ trợ tài chính từ USAID và Tập đoàn Intel. Đến nay, chương trình đã đào tạo được hơn 100 giảng viên từ các trường đại học và cao đẳng Việt Nam về đổi mới thiết kế chương trình và phương pháp giảng dạy ngành kỹ thuật.


Trong khuôn khổ chương trình HEEAP mở rộng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký thỏa thuận về đầu tư đào tạo giảng viên nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, xây dựng chương trình đào tạo và năng lực giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh với Đại học bang Arizona - Hoa Kỳ (ASU). Dự kiến, sẽ có thêm 1.000 giảng viên được tập huấn trong khuôn khổ chương trình HEEAP mở rộng với sự tham gia của khoảng 12 tập đoàn, doanh nghiệp.


Chương trình HEEAP mở rộng cũng sẽ được cung cấp kinh phí từ nguồn lực của Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Intel và các đối tác công nghiệp khác. Ước tính tổng đầu tư cho chương trình HEEAP mở rộng vào khoảng 40 triệu USD.


Phát biểu tại lễ ký, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: Tập trung vào giáo dục luôn là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đã đề ra nhiệm vụ “Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”.

 

Chương trình hợp tác giáo dục ngành kỹ thuật (HEEAP) là mô hình kết hợp thành công giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực. Đây là các thành phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, hợp tác giữa khu vực công và tư trong đào tạo nhân lực hỗ trợ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đánh giá cao các kết quả đạt được của HEEAP và hy vọng thông qua HEEAP có thể xây dựng một chương trình quốc gia về mô hình hoạt động và quản lý hiệu quả trong trường đại học, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh việc mở rộng quy mô và nội dung hoạt động của HEEAP để góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới đại học Việt Nam.


Tin, ảnh: Phạm Tuyết - TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN