Củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng
Đồng chí Nguyễn Văn An, Bí thư Đảng ủy phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Có thể khẳng định, việc Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 -2022 là rất quan trọng và có ý nghĩa lớn trong bối cảnh hiện nay. Thông qua hội nghị sẽ tổng kết được những kết quả đạt được, cũng như tìm ra những hạn chế còn tồn tại để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, tình trạng tham nhũng, tiêu cực đã xảy ra ở nhiều cấp, ngành, lĩnh vực với quy mô khác nhau, trong đó có những vụ việc xảy ra ở những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm với quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi, mức độ sai phạm lớn, làm thất thoát hoặc thiệt hại nặng nề đối với tài sản của Nhà nước và nhân dân, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Trước thực trạng đó, Đảng ta đã có những chỉ đạo quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao trong công tác phòng, chống tham nhũng, kiên quyết xử lý đối với các vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Điển hình như, trong những năm qua, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật trên 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, trên 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Bí thư Đảng ủy phường Đông Ngạc nhấn mạnh, những con số này cho thấy công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, xử lý nghiêm sai phạm của từng cá nhân, cho dù người đó là ai. Đặc biệt, các vụ việc đưa vào diện Trung ương theo dõi được xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch đã để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, tham nhũng và tiêu cực, Bí thư Đảng ủy phường Đông Ngạc kiến nghị các cấp ủy đảng cần thường xuyên bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên về phòng, chống 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng, rèn luyện bản thân trong mọi hoàn cảnh, thường xuyên tự soi, tự sửa với tinh thần “còn Đảng thì còn mình” và “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí, siết chặt kỷ cương trong Đảng cũng như quản lý kinh tế, xã hội; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các tỉnh, thành phố theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch
Cùng tâm đắc với chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, bà Ngô Thị Yến (đảng viên, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, đã xử lý được rất nhiều đối tượng, nhiều cán bộ cấp cao từ Trung ương tới địa phương, góp phần làm trong sạch đội ngũ của Đảng. Chỉ đạo của Tổng Bí thư là kim chỉ nam thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết xử lý đến cùng đối với các hành vi tham nhũng, trừng phạt và răn đe hành vi sai phạm của những cán bộ lợi dụng chức quyền để làm sai quy định của pháp luật. Việc này đã lấy lại lòng tin yêu của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Từ đó, nhân dân phấn khởi, đồng tình, ủng hộ và tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được các cấp chính quyền thành phố Hà Nội rất chú trọng, thực hiện thường xuyên, sâu sát… nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Một trong những nguyên nhân là do hành vi tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi. Có những công trình có tuổi thọ hơn 100 năm, nhưng rồi nhóm này đã tự ý rút bớt vật tư, trang thiết bị, những thứ mà mắt thường khó quan sát và nhận biết được, gây hậu quả giảm chất lượng, tuổi thọ của công trình. Tất cả đều chung mục đích bòn rút tài sản của Nhà nước, nhân dân; tham lam, lôi kéo, cấu kết với nhau để thực hiện và che đậy hành vi sai trái… Theo bà Ngô Thị Yến, điều kiện tiên quyết để phòng, chống tham nhũng là phải chú trọng, chăm lo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự trong sạch, yêu nước, thương dân, giữ gìn tài sản của Nhà nước như tài sản của gia đình mình.
Từ kinh nghiệm công tác xét xử tại tòa án, bà Ngô Thị Yến cho rằng, việc thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng cần phải được quan tâm và mở rộng, thực hiện triệt để hơn, vừa thu hồi cho ngân sách nhà nước, vừa là bài học để cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung. Các cơ quan tư pháp, hành pháp thúc đẩy nhanh tiến độ phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, thu hồi tối đa tài sản thất thoát, nhất là những vụ án được dư luận quan tâm. Qua đó, thể hiện sự nghiêm minh, tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ vững niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự trong sạch của bộ máy quản lý nhà nước.
Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố là rất cần thiết
Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Đại học Nội vụ Hà Nội bày tỏ: 10 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên, nhân dân hoan nghênh và đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp do Tổng Bí thư làm Trưởng ban đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng, chống tham nhũng. Điều đó thể hiện rất rõ khi số lượng vụ, việc tham nhũng, kinh tế được phát hiện, xử lý tăng lên rất nhiều, qua đó khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ” của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, công tác phòng, chống tham nhũng ở nhiều ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Do đó, vừa qua, Trung ương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là rất cần thiết, quan trọng. Điều này cho thấy, Trung ương đã và đang tiếp tục quan tâm, chú trọng, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.