Trong cuộc chiến tranh, những người tham gia và cả nhân dân đều phải chấp nhận mất mát hy sinh. Nếu so sánh con số khoảng 400 nhà báo liệt sỹ của cả 2 cuộc kháng chiến thì Thông tấn xã Giải phóng đã có trên 250 nhà báo liệt sỹ, trong đó riêng Thông tấn xã Giải phóng ở khu vực miền Nam chỉ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã có 158 nhà báo hy sinh.
Đây là tỷ lệ thương vong lớn nhất trong ngành tuyên truyền cả nước. Nhiều cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại trên những cánh rừng, hài cốt của một số anh, chị đến nay vẫn chưa tìm thấy. Hàng chục người khác đã để lại một phần xương máu của mình trên các chiến trường.
Những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ với những tình huống khác nhau: ở trận địa chiến đấu của bộ đội, trong các trận chống càn bảo vệ căn cứ… Điển hình như đồng chí Trần Ngọc Đặng, du kích cơ quan chống càn Junction City tháng 3/1967, đã bắn hỏng xe tăng Mỹ và anh dũng hy sinh, được tuyên dương danh hiệu “Dũng sĩ diệt cơ giới”; đồng chí Trần Văn Minh (chiến đấu cùng đồng chí Đặng) bị thương nặng, bị Mỹ bắt và cưa chân, sau hiệp định Paris được Mỹ trao trả tù binh. Đồng chí Trương Thị Mai, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng ở Trung Nam bộ bị địch bắt tra tấn dã man nhưng vẫn không một lời khai báo, chấp nhận hy sinh để bảo toàn căn cứ.
Nhiều phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng đã hy sinh trong quá trình tác nghiệp, thu thập tin tức ở cơ sở như Nguyễn Thành Công, phóng viên phân xã Kiến Tường (nay là Long An) hy sinh khi về ấp chiến lược Nhơn Hòa Lập nắm tình hình diệt ác, phá kìm năm 1973; phóng viên Bùi Văn Thưởng (bút danh Võ Phát Thưởng) của phân xã Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), hy sinh lúc nắm tình hình chiến sự tại xã Mỹ Đức Tây (Cái Bè), bị lính ngụy đánh điểm năm 1969; đồng chí Bùi Văn Tấn, điện báo viên phân xã Mỹ Tho, hy sinh tại xã Tân Phú, nơi xảy ra trận Ấp Bắc 1963.
Sự hy sinh, tổn thất lớn và đau lòng nhất là một số trường hợp hy sinh tập thể, cả cơ quan bị xóa sổ nhiều lần nhưng các phân xã của TTXGP vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng để hoàn thành nhiệm vụ. Điển hình, Phân xã Kiến Tường, 3 lần bị địch hủy diệt, hàng chục đồng chí hy sinh vào năm 19; Phân xã Rạch Giá 5 lần bị địch càn tiêu diệt tập thể, 16 đồng chí đã hy sinh; Phân xã Nam Tây Nguyên (bí danh T10) có 5 đồng chí đều hy sinh vào năm 1969.
Đợt Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 19 vào Sài Gòn cùng với lực lượng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, đoàn Thông tấn xã Giải phóng được chia theo 3 mũi tiến quân, gồm các phóng viên tin, ảnh và 3 tổ điện đài đã thực hiện những tin, bài, ảnh có giá trị lịch sử, động viên quân dân cả nước. Suốt đợt Tổng tiến công đã có 14 phóng viên tin, ảnh và điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng anh dũng hy sinh. Trong đó, vào ngày 12/1/19, các đồng chí Phạm Văn Đệ (trưởng đài), Nguyễn Hữu Nhường, điện báo viên của Tổng xã và một điện báo viên của địa phương khi đang làm việc trong hầm trú ẩn ở khu vực ngoại ô Sài Gòn bị một trái bom do máy bay địch ném trúng hầm, cả 3 đồng chí đều hy sinh cùng với máy móc và vũ khí.
Ngoài ra, nhiều đồng chí lãnh đạo, phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng đã hy sinh ngay trên đường đi công tác. Một trong những mất mát lớn đó là vào ngày 21/9/1967, đồng chí Bùi Đình Túy (bút danh Đinh Thúy), Phó Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng và đồng chí Nguyễn Đình Cước, phóng viên cùng hy sinh tại Trảng Dầu (Bình Long) do bị địch ném bom sau khi dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua trên đường về, mang theo nhiều hình ảnh, tin, bài để tuyên truyền phát huy kết quả Đại hội. Đồng chí Nguyễn Đức Hoằng, Trưởng Phân xã Lộc Ninh - “thủ đô” của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, là một trong những điểm địch trao trả tù binh cho ta nhiều lần nhưng địch vẫn ngoan cố ném bom tiêu diệt nơi này, đã hy sinh trong trong một đợt ném bom của địch.
Trên 250 cán bộ, phóng viên nhân viên của Thông tấn xã Giải phóng, của Việt Nam Thông tấn xã đã ngã xuống suốt từ Quảng Trị tới Cà Mau trong tư thế của người chiến sĩ. Có phân xã hy sinh toàn bộ, có phân xã nhiều lần bị xóa sổ.
Phân xã Rạch Giá (Kiên Giang) năm lần bị xóa sổ. Có lần vừa phát tin xong địch phát hiện, ném bom làm cả 3 phóng viên hy sinh; lần khác là đang phát tin thì địch dùng bộ binh, trực thăng đánh vào phân xã, cả 5 cán bộ, phóng viên bị giết, bị bắt, bị thương. Trong trận càn của Mỹ vào Hòn Đất, có 2 cán bộ đã ngã xuống cùng chị Sứ (tức liệt sĩ Phan Thị Ràng) - nhân vật trong truyện Hòn Đất của nhà văn Anh Đức. Riêng Phân xã Rạch Giá (Kiên Giang) dù chưa xác minh đủ nhưng đã có 16 cán bộ, phóng viên hy sinh, tuy vậy dòng tin, ảnh của Thông tấn xã Giải phóng vẫn không bao giờ ngừng nghỉ. Có nhiều gia đình, hai cha con đều là phóng viên ảnh như gia đình ông Trần Bỉnh Khuôl (tức Hai Nhiếp - bố) và Trần Hoài Dũng (con); hai anh em Bùi Văn Thưởng (người có mặt tại trận Ấp Bắc) và Bùi Văn Tấn cùng hy sinh cho sự nghiệp thông tấn.
Ở Quảng Đà, trong một lần địch ném bom vào Hòn Tàu, hai cán bộ của Thông tấn xã Giải phóng cùng các cán bộ địa phương đã bị vùi lấp trong một hang đá. Mãi những năm gần đây mới tìm được hài cốt. Có phân xã ở Nam Bộ hy sinh tới 21 người, nhưng mới xác minh được danh tính 7 người, số còn lại cho tới nay vẫn chưa tìm được hài cốt.
Với những hy sinh như vậy, có thể nói những phóng viên tin, phóng viên ảnh, cán bộ kỹ thuật điện đài, phục vụ công tác thông tin của Thông tấn xã Giải phóng thời chống Mỹ cứu nước thật sự là những chiến sĩ. Để có một dòng tin chiến sự nóng bỏng, một tấm ảnh có sức cổ vũ, để truyền đi một tin nhanh nhất, đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã phải có mặt tại những nơi nóng bỏng, tại mặt trận như những người lính và cũng chịu hy sinh như người lính.