Bình Định: Cứu thoát 8 người trong nước lũ.
Những trận mưa lớn suốt từ các ngày đêm từ 25 -26/11 đã làm cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định bị thiệt hại nặng. Hàng nghìn ngôi nhà ở các xã vùng trũng huyện Tuy Phước; Phù Cát và các huyện Trung du miền núi An Lão và Hoài Ân bị ngập.
Mưa lũ lớn đã làm sạt lở và cô lập nhiều tuyến đường quan trọng như tỉnh lộ 640 từ thị trấn Tuy Phước về các xã vùng phía Đông huyện. Tuyến đường 629 từ Bồng Sơn đi An Lão cũng bị chia cắt trên 12 giờ đồng hồ. Các tuyến đường từ An Hòa đi An Toàn dài trên 45 km đã bị sạt lở đất với khối lượng lớn trên 18.000 m3. Tuyến từ thị trấn An Lão đi An Vinh cũng có nhiều đoạn bị sạt lở núi gây ách tắc giao thông. Nhiều hệ thống kênh mương nội đồng bị thuỷ phá bồi lấp đồng ruộng với tổng khối lượng trên 56.600 m3.
Tại huyện An Lão, thiệt hại của đợt mưa lũ lần này gây ra khoảng trên 12,1 tỷ đồng, 320 ngôi nhà bị ngập nước, có 2 nhà bị sập tại An Hòa; trên 3500 con gia cầm gia súc bị cuốn trôi, nhiều phương tiện dụng cụ sinh hoạt gia đình bị trôi và 4 xe ô tô bị ngập nước hư hỏng nặng...
UBND huyện đã huy động trên 30 cán bộ chiến sĩ công an và bộ đội địa phương đến nơi bị sạt lở nặng để từng bước giải phóng mặt đường và cắm biển báo không cho người và phương tiện qua lại; phát cây cối tại một số ven đường để tạm thời giải quyết cho người dân đi bộ đi qua. Trong mưa lũ, lực lượng xung kích huyện đã dùng phương tiện cứu thoát 8 người tại An Hòa do nước ngập sâu trong đêm và nguy cơ đến tính mạng.
Tại huyện Hoài Ân, trên 1.200 ngôi nhà ở vùng trũng bị ngập sâu, nhiều nhất là xã Ân Hảo có trên 400 ngôi nhà bị ngập. Mưa lũ cũng làm hơn 750 giếng nước sinh hoạt bị ngập và hàng nghìn m3 kênh mương thủy lợi và sa bồi thủy phá đồng ruộng. Ước thiệt hại ban đầu khoảng trên 3 tỷ đồng.
Ngay trong lúc nước dâng cao, Hội chữ Thập đỏ và thanh niên xung kích đã sử dụng các phương tiện ghe, sỏng hiện có đi đến những nơi bị ngập nước sâu đưa người dân và lương thực, thực phẩm lên nơi cao.
Theo ông Nguyễn Hữu Vui, phó Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, vào sáng 27/11, mưa lũ đã giảm dần, nước các sông đang rút xuống. Các hồ chứa nước thủy lợi đã tích nước được từ 60- 90% tổng dung tích thiết kế và căn cứ vào tình hình thực tế chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương nơi nào cần bảo đảm an toàn hồ chứa sẽ cho xả lũ từ từ với phương châm phải đảm bảo đủ nước tưới cho vụ sản xuất Đông Xuân nhưng không xả lũ lớn làm sa bồi thủy phá và ngập úng cục bộ tại vùng trũng.
Ngay sau lũ, với chủ trương nước rút đến đâu tiến hành vệ sinh môi trường về nhà cửa, trường học, bệnh xá đến đấy, các địa phương cũng từng bước khắc phục các công trình giao thông thủy lợi để chuẩn bị cho việc sản xuất vụ Đông Xuân sắp đến.
Phú Yên: Nước lũ cuốn trôi mố cầu sông Cô
* Chiều 26 đến sáng 27/11, tỉnh Phú Yên có mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn đổ về làm cho nhiều tuyến giao thông phía Bắc tỉnh bị chia cắt.
Cầu sông Cô ( huyện Đồng Xuân ) đang thi công đã bị nước lũ cuốn trôi khoảng 1.500 mét khối đất đá hai bên mố cầu, khiến người dân từ xã Xuân Sơn Bắc qua thị trấn La Hai phải dùng đò. Ảnh: Thế Lập - TTXVN |
Cầu Lò Gốm thuộc địa bàn xã An An Thạch (huyện Tuy An) ngập sâu trong nước, nhiều người qua lại trông chờ dịch vụ khiêng xe. Nước trên sông Cô, đoạn qua thị trấn La Hai (huyện miền núi Đồng Xuân) dâng cao phá vỡ 30 mét đường tránh cầu Sông Cô gây ách tắc giao thông. Cầu sông Cô đang thi công bị nước lũ cuốn trôi hai bên mố cầu dài khoảng 45 mét với khối lượng 1.500 mét khối đất, đá. Do vậy, người dân từ xã Xuân Sơn Bắc muốn qua thị trấn La Hai hoặc ngược lại phải đi bằng đò. Hàng chục xe tải chở sắn đến Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân buộc phải “đứng bánh”.
Ông Kiều Ngọc Hùng, đại diện Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc , đơn vị đang thi công công trình cầu Sông Cô cho biết, hiện nay nước vẫn còn chảy xiết khoảng 2 ngày nữa mới rút. Công ty đang tập trung nhân lực và phương tiện để khi nước rút đến đâu sẽ đắp lại đường tránh bằng rọ đá để các phương tiện qua lại tạm thời./.
Viết Ý- Thế Lập