Năm 2012: Quản lý giá là nhiệm vụ trọng tâm

Trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề những chính sách tài chính và điều hành giá cả, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (ảnh) khẳng định: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính trong năm 2012 là quản lý giá.

´Năm 2012, chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ vẫn tiếp tục theo hướng kiềm chế lạm phát. Nhiệm vụ của ngành tài chính sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?


Nhiệm vụ tài chính là bám sát thực hiện bằng được mục tiêu Chính phủ đề ra. Như chúng ta đã biết, tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, trong bối cảnh đó thì tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tài chính tiền tệ theo hướng thắt chặt để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn vô cùng cần thiết. Tuy nhiên cũng cần phải chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% như năm nay, kịch bản tốt là 6,5%.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nghiên cứu để tiếp tục giãn thuế cho doanh nghiệp giống như năm 2011. Tùy vào diễn biến năm 2012, Bộ Tài chính sẽ tham mưu cho Chính phủ áp dụng biện pháp giãn và miễn thuế doanh nghiệp, những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì do Chính phủ quyết định, những gì thuộc thẩm quyền Quốc hội thì Quốc hội quyết. Đại diện UBND thành phố Hà Nội cũng đã kiến nghị giải pháp hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu xem xét tùy vào diễn biến tình hình, hỗ trợ phải có mục tiêu cụ thể nhằm hạn chế ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát.

´Xin Bộ trưởng cho biết định hướng công tác điều hành giá cả trong năm 2012, nhất là các mặt hàng điện, than và xăng dầu?

Năm 2012 chúng ta sẽ kiên trì thực hiện quản lý giá cả theo nguyên tắc thị trường, nhất là đối với mặt hàng điện, than và xăng dầu và các dịch vụ công. Năm 2012 Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Giá, Bộ Tài chính cũng sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn, trước mắt phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế điều hành về điện, xăng dầu, các quy chế về bình ổn giá, theo hướng Luật Giá đã quy định. Trong năm tới, nếu không quản lý giá tốt thì sẽ có nguy cơ tiềm ẩn giá cả bùng phát tăng trở lại.

Khách hàng mua hàng bình ổn giá tại Hội chợ Tháng khuyến mại năm 2011. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN


Vì vậy, các biện pháp thanh tra, kiểm tra về giá là hết sức cần thiết. Các cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính sẽ phối hợp thanh kiểm tra, cố gắng hướng tới các đối tượng có mặt hàng thiết yếu như: điện, xăng dầu… Năm nay, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán toàn diện Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngoài ra, sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các đơn vị ngoài ngành điện, bán điện cho ngành điện, than bán cho ngành điện, trên cơ sở đó có bức tranh đầy đủ đối với điện lực, nhằm minh bạch quá trình này, đảm bảo cho điều hành giá của Chính phủ theo đúng chủ trương.

Hiện tại, nhu cầu về điện của chúng ta vẫn rất lớn. Do vậy, việc điều chỉnh giá điện vẫn phải tuân thủ theo lộ trình, bù đắp được chi phí, lợi nhuận phù hợp không chỉ đối với EVN mà còn để thu hút các nhà đầu tư khác. Việc điều chỉnh giá cũng cần đi kèm với giải pháp hỗ trợ người nghèo, thu nhập thấp, kể cả thu nhập trung bình. Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh giá điện nhưng nguyên tắc điều chỉnh, liều lượng và thời điểm phải theo lộ trình phù hợp. Tôi cũng đã cùng Cục Quản lý giá phân tích mức độ của việc tăng giá điện (ngày 20/12) ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là rất nhỏ. Vì vậy, chúng ta cần đồng thuận chia sẻ với Nhà nước về việc tăng giá điện; mặt khác cũng yêu cầu EVN phải tiết giảm chi phí các khâu, giảm bớt tiêu hao điện năng... cùng với đó là thực hiện tiến trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung phát triển ngành điện.

´Tiến trình thực hiện các Đề án tái cấu trúc của Bộ Tài chính trong thời gian tới sẽ ra sao, thưa Bộ trưởng?

Về vấn đề tái cấu trúc, tôi cho rằng phải tái cấu trúc 5 lĩnh vực mà Bộ Tài chính có liên quan là: Tái cấu trúc đầu tư công; tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; hệ thống ngân hàng thương mại; thị trường chứng khoán, bảo hiểm, vốn; cuối cùng là tăng cường khâu đột phá về tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành toàn bộ Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, đã hoàn thành lấy ý kiến Chính phủ lần cuối trước khi trình ra Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị quyết định.

Tôi đã chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban chứng khoán công bố giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho thị trường chứng khoán. Sắp tới đây, khi việc cổ phần hóa DNNN tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt với các doanh nghiệp lớn của Nhà nước thì chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán sẽ cao hơn. Bộ Tài chính cũng đang xây dựng Đề án về đầu tư gián tiếp, nghiên cứu tăng cường tính thống nhất thị trường, hỗ trợ kỹ thuật thông tin, điều hành thị trường chứng khoán theo thông lệ quốc tế. Tôi tin rằng khi kinh tế vĩ mô tốt lên và giải pháp cho thị trường chứng khoán được thực thi thì thị trường chứng khoán sẽ vượt qua khó khăn và tiếp tục phục hồi, phát triển trong năm 2012.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN