Theo bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội, trong quý I/2017, có 2 vụ ngừng việc tập thể tại Công ty Denso (khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) liên quan đến thời giờ làm việc và công ty may tại huyện Mỹ Đức do bất đồng trong nội bộ. Ngay sau các vụ ngừng việc lao động tập thể, lãnh đạo công đoàn các cấp đã xuống trực tiếp giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá: Trong thời gian qua, các cấp công đoàn đã bám sát cơ sở, khi có tranh chấp lao động đều đã có mặt kịp thời cùng với ban ngành hữu quan xử lý sớm vụ việc. Tuy nhiên, công đoàn với tư cách là đại diện quyền và lợi ích của người lao động cần chủ động nắm tâm tư, nguyện vọng của người lao động, nhất là trong điều kiện hiện nay, người lao động hiện nay chịu tác động lớn của mạng xã hội. Nếu không thay đổi phương thức tiếp cận, nội dung liên quan đến công nghệ sẽ coi như thất bại.
“Từ việc xử lý các vụ tranh chấp lao động, khi các ban ngành đánh giá tìm nguyên nhân thì điểm chung đều thiếu thông tin, thiếu chia sẻ, cán bộ thiếu trách nhiệm trong xử lý những bất cập khi người lao động phản ánh", Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ rõ.
Do đó, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, các cấp công đoàn cần sâu sát để người lao động chia sẻ thông tin. Thực tế có trường hợp, công đoàn biết sau các ngành khác, vì vậy công đoàn xem lại khâu nắm bắt thông tin của mình. Nếu thông tin biết trước thì sẽ có phương án xử lý kịp thời, nếu không xử lý trong thẩm quyền thì báo cáo lãnh đạo cấp trên cùng giải quyết.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải lưu ý Liên đoàn lao động Hà Nội cần quan tâm đến lực lượng lao động di cư từ ngoại tỉnh vào Hà Nội làm việc. Số này khoảng từ 1,9 triệu đến 2,2 triệu lao động; Liên đoàn lao động Hà Nội cần quan tâm và có cách thu hút tập hợp lực lượng lao động này.