Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, hội thảo là dịp để cùng nhìn nhận, đánh giá về sự lãnh đạo, định hướng, khích lệ của Đảng, Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật, nhất là mảng đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Đây cũng là dịp nhằm xác định rõ hơn vị trí, vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật đối với việc nắm bắt, phản ánh, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Hội đồng mong muốn huy động được tâm sức, trí tuệ, trách nhiệm và sự đóng góp của giới nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn nghệ nhằm bổ sung hệ thống luận cứ khoa học và thực tiễn. Từ đó, tư vấn cho Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nền văn hóa, văn nghệ nước nhà tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, dân chủ, khoa học, nhân văn.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh phát triển kinh tế, Thành phố rất quan tâm xây dựng, đầu tư, phát triển các thiết chế văn hóa, hoạt động văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật, chăm lo cho đội ngũ văn nghệ sỹ.
Thành phố đang tập trung xây dựng, từng bước hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh với nhiều cách làm đa dạng, phong phú. Cụ thể, toàn Thành phố có hơn 2.900 thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Nhiều địa phương, đơn vị có mô hình, cách làm hay, nhiều tổ chức tôn giáo, cộng đồng các dân tộc tích cực hưởng ứng, dịch tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Khmer để khách du lịch trong, ngoài nước có thể tìm hiểu. Các chương trình, kế hoạch phát triển văn hóa, nghệ thuật dài hạn được tập trung; công tác đào tạo, chăm lo, phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ và hoạt động văn học - nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, quá trình phát triển, hiện đại hóa nền văn học, nghệ thuật trong thế kỷ XX gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc, đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã được phản ánh một cách đậm nét, sâu sắc. Người chiến sỹ lực lượng vũ trang không những là nhân vật sáng tạo của văn học, nghệ thuật mà còn là lực lượng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị phục vụ cho cách mạng, cho nhân dân.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đất nước đang bước vào vận hội mới, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí, sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam. Trong đó, văn nghệ sỹ Việt Nam đóng vai trò quan trọng với sứ mệnh cao cả và trách nhiệm nặng nề nhưng cũng vô cùng vẻ vang. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn lịch sử, từng thế hệ văn nghệ sỹ sẽ có sứ mệnh và nhiệm vụ của riêng mình. Việc đổi mới tư duy sáng tạo là quy luật bất biến, đòi hỏi tất yếu của mỗi văn nghệ sỹ.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương mong rằng, các văn nghệ sỹ hôm nay, nhất là thế hệ sinh ra trong hòa bình, cần không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh, tài năng, hòa mình trọn vẹn vào thực tiễn đời sống của lực lượng vũ trang và của nhân dân; nỗ lực tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức biểu hiện; sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, các văn nghệ sỹ lực lượng vũ trang nhân dân phải “lĩnh ấn tiên phong”, là hạt nhân tiếp nối dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn của nền văn học Việt Nam trên con đường đổi mới, phát triển.
Tại Hội thảo, nhiều tham luận làm rõ hình tượng người chiến sỹ, người lính, tình đồng đội trong chiến tranh cũng như thời bình, hình tượng chiến thắng Điện Biên Phủ trong văn học; phân tích một số tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang có giá trị, những vấn đề hậu chiến, hình tượng người lính trong thơ ca…
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng (nguyên Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương), tên tuổi nhiều nhà văn quân đội đã trở thành dấu mốc quan trọng trong các bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam. Họ trực tiếp tạo nên diện mạo mới cho nền nghệ thuật hiện đại của Việt Nam thông qua các loại hình nghệ thuật âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, nhiếp ảnh…
Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng mong rằng, truyền thống và đặc trưng đội quân văn hóa của Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ luôn được bảo vệ, giữ gìn và phát triển trong hiện tại và tương lai.
“Phát triển đội quân văn hóa chính là một thành tố hữu cơ quan trọng, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng, sức mạnh tổng hợp của mục tiêu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong thời kỳ đổi mới của sự nghiệp cách mạng Việt Nam”, Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng nói.