Các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm tập trung phản ánh những khó khăn, hạn chế trong công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của báo cáo viên trong bối cảnh hiện nay; chia sẻ những mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền miệng, đồng thời đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công tác tuyên truyền miệng.
Ông Phan Văn Thép, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ cho rằng, tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là một khâu quan trọng, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, Trung ương với địa phương; là cơ sở để vừa đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, của Nhà nước đến với nhân dân, vừa nắm bắt, phản ánh trung thực, kịp thời tư tưởng, tâm tư, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên vẫn còn hạn chế, bất cập như: Lực lượng báo cáo viên các cấp đa số là kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động tuyên truyền miệng. Chất lượng đội ngũ báo cáo viên chưa đồng đều. Trình độ, năng lực của một số báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở còn hạn chế, ít đầu tư, nghiên cứu nên việc triển khai đôi lúc chưa thuyết phục và chưa thu hút người nghe.
Ông Phan Văn Thép đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương kịp thời cung cấp các thông tin, tài liệu phục vụ cho báo cáo viên, nhất là những vấn đề “nóng” được dư luận đặc biệt quan tâm, giúp cho hoạt động tuyên truyền miệng ngày càng nhanh nhạy và hiệu quả. Theo ông, cần nâng cao chất lượng thông tin theo hướng phát huy tính thời sự; tạo điều kiện cho đội ngũ báo cáo viên của các tỉnh, thành phố đi học tập kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là về biển, đảo và biên giới quốc gia để tăng thêm vốn kiến thức thực tiễn, góp phần dẫn chứng, minh họa trong bài nói thêm phong phú, thuyết phục người nghe, phục vụ tốt hơn công tác tuyên truyền miệng ở địa phương.
Ông Hồ Trung Việt, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau nhìn nhận, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số địa phương chưa thật sự đổi mới về nội dung, hình thức. Phương pháp tuyên truyền của một số báo cáo viên, tuyên truyền viên còn thiếu sáng tạo, đơn điệu, một chiều, ít đối thoại nên hiệu quả chưa cao. Điều kiện về kinh phí và cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện truyền thanh ở cơ sở còn hạn chế, chưa phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của báo cáo viên.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau cho rằng, để công tác tuyên truyền miệng đạt hiệu quả, nội dung, phương thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phải luôn được đổi mới. Nội dung thông tin truyền đạt có chọn lọc, phân tích, lý giải, bình luận sâu sắc, không chỉ bao hàm những vấn đề thời sự chính trị như trước đây, mà còn tập trung cho vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa và các vấn đề bức xúc khác của xã hội; biểu dương, cổ vũ những nhân tố mới trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng xã nông thôn mới…
Các ý kiến phát biểu tại buổi Tọa đàm đề cập tới việc cần có chế độ, chính sách bồi dưỡng, phụ cấp cho tuyên truyền viên cơ sở, cho rằng đây là nhu cầu, cũng là yếu tố quan trọng để thu hút đội ngũ làm công tác tuyên truyền miệng giỏi và động lực nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng của công tác này ở cơ sở trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhấn mạnh, tuyên truyền miệng là một trong những kênh thông tin quan trọng, trực tiếp truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến, giáo dục, quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây cũng là công tác góp phần định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế; tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào cách mạng. Đồng thời, đây là một trong những vũ khí sắc bén, kịp thời đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biển hòa bình” của các thế lực thù địch, phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc, phản động. Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW, hoạt động tuyên truyền miệng ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, trong tình hình mới đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn để ngày càng thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, các ý kiến phát biểu đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế khi tiến hành công tác tuyên truyền miệng; đồng thời cung cấp những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác này. Các ý kiến đã phân tích sâu, trao đổi, thảo luận trên tinh thần thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức của công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên của ngành, địa phương và của cả nước trong bối cảnh xã hội “bùng nổ” thông tin hiện nay. Đây là cơ sở quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác tuyên truyền miệng trong thời gian tới.