Thông tin trên được Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau Lê Thị Kim Chung cho biết tại buổi làm việc của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn với lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau về công tác kiểm soát thủ tục hành chính và bảo đảm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sáng 9/6.
Theo báo cáo, từ năm 2021 đến nay, Cà Mau đã cắt giảm từ 20 - 80% thời gian giải quyết đối với 392 thủ tục hành chính. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.499/2.008 (chiếm 74,6%) thủ tục hành chính được cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định. Đồng thời, đã rà soát, kiến nghị với các bộ, ngành phương án đơn giản hóa như kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bãi bỏ 5 thủ tục hành chính…
Nhằm đẩy mạnh thực hiện công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.
Chiến dịch đã thu được nhiều kết quả tích cực. Trong 3 chỉ tiêu đề ra, chỉ tiêu đạt cao nhất là tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến cấp tỉnh (92,79%); tiếp đến là tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh (92,28%) và tỷ lệ thanh toán trực tuyến cấp xã (90,14%). Đáng chú ý, tại thời điểm phát động chiến dịch, tỷ lệ thanh toán trực tuyến chỉ ở mức dưới 1%, mục tiêu đặt ra sau chiến dịch phải đạt 30% và đây được xác định là một trong những chỉ tiêu khó, tuy nhiên, khi kết thúc chiến dịch chỉ tiêu này lại tăng cao nhất.
Chiến dịch là cuộc tổng rà soát các điều kiện cần thiết để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn; qua đó phát hiện, xử lý những tồn tại, hạn chế kịp thời, hiệu quả; đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, địa phương trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán trực tuyến, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan, việc kiểm soát, cải cách quy định thủ tục hành chính của Cà Mau vẫn còn những tồn tại, như kiểm soát quy định trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn chưa thật sự chặt chẽ dẫn đến còn phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính chủ yếu cắt giảm thời gian giải quyết, không đồng thời với việc giảm bước, hồ sơ, giấy tờ, ứng dụng công nghệ thông tin, có thể sẽ gây thêm áp lực về thời hạn cho cán bộ, công chức, không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Theo Nghị quyết /NQ-CP (ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025), mục tiêu là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu. Hỗ trợ Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa - LinkSME) đã rà soát cơ sở pháp lý và quy định hiện hành về nội dung thủ tục hành chính, chỉ ra nhiều điểm bất cập và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị nhằm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, cải tiến quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Nêu lên một số chỉ số thuyết phục như tỷ lệ số hóa, cấp kết quả giải quyết điện tử hiện tăng gấp gần 2 lần, dịch vụ công trực tuyến tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2022, Bộ trưởng Trần Văn Sơn chỉ ra một số hạn chế trong công tác kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Để thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, công tác chỉ đạo điều hành trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác này; đẩy mạnh hơn nữa cải cách, kiểm soát quy định thủ tục hành chính; khẩn trương triển khai các nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Triển khai thực hiện đổi mới trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, trong đó quan tâm, tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tập trung rà soát, tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, tránh hình thức, phong trào, không thực chất, không hiệu quả. Tăng cường phân cấp, ủy quyền, phân bổ nguồn lực trong thực hiện thủ tục hành chính.
Tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06, thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu theo thời gian thực; nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, không phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà cho người dân doanh nghiệp trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Bộ trưởng đề nghị tỉnh tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, kịp thời xử lý các khó khăn, bất cập cho người dân, doanh nghiệp; đặc biệt là chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý hoặc kéo dài thời gian xử lý, giải quyết thủ tục hành chính. Tỉnh thực hiện nghiêm túc việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, ký số văn bản điện tử và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ. Tỉnh rà soát, chuẩn hóa các chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý; kịp thời cung cấp, chia sẻ dữ liệu kinh tế - xã hội với Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, huy động và tạo đồng thuận xã hội tham gia vào quá trình cải cách và chuyển đổi số của tỉnh.