Công việc này càng đúng đối với Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, đảng bộ bao gồm các tổ chức đảng, đảng viên ở các cơ quan tham mưu chiến lược của Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương. Nhiều cách làm, mô hình hoạt động hay, sáng tạo, phù hợp đã góp phần nâng cao công tác dân vận trong các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.
Huy động người nổi tiếng, có uy tín để định hướng, giáo dục thế hệ trẻ
Từ nhận thức Đoàn thanh niên là một bộ phận trong công tác dân vận, thực hiện công tác vận động, đoàn kết tập hợp thanh niên Việt Nam để thực hiện những công việc mà sự nghiệp cách mạng và đất nước đang cần, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết Đảng bộ Trung ương Đoàn thường xuyên định hướng chỉ đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên chủ động, sáng tạo trong tham mưu Ban Bí thư, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn quyết định nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, tác động sâu rộng đến đoàn viên, thanh niên, qua đó phát huy được vai trò của thanh niên.
Công tác nắm bắt tư tưởng của đoàn viên thanh niên được thực hiện tốt thông qua việc nâng cao tính chủ động, nhận thức, trách nhiệm của Ban Thường vụ Đoàn các cấp, từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, có phân công cán bộ theo dõi, phụ trách địa bàn nắm bắt tình hình tư tưởng đoàn viên thanh niên, thường xuyên gắn bó với thanh niên, sâu sát cơ sở, xem việc nắm bắt tình hình tư tưởng thanh niên là việc quan trọng và thường xuyên, có chế độ kiểm tra, báo cáo thông tin cụ thể định kỳ hoạt đột xuất.
Việc nắm bắt thông tin được triển khai bằng tất cả các lực lượng, các kênh thông tin tuyên truyền, đặc biệt là việc nắm bắt, quản lý thông tin trên mạng xã hội; kịp thời nắm bắt xu thế, trào lưu của thanh niên trong tình hình mới để thiết kế, vận dụng linh hoạt các hoạt động dành cho đoàn viên, thanh niên. Đồng thời tổ chức Đoàn tiến hành khảo sát, đánh giá hằng năm về tình hình thanh niên bằng các công cụ khoa học, từ đó đưa ra dự báo kịp thời về tình hình, các trào lưu, xu thế tư tưởng, nhu cầu của đoàn viên thanh niên. Các cấp bộ Đoàn tích cực đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền thông qua việc duy trì hiệu quả các kênh thông tin truyền thống, phát huy vai trò mạng xã hội, các công cụ truyền thông hiện đại như facebook, youtube, zalo, tiktok... nhằm kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội trong đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là trước các sự việc phức tạp phát sinh. Các sản phẩm tuyên truyền trên Internet và mạng xã hội như infographic, video clip, bộ ảnh, video ca nhạc, poster cổ động, phóng sự, phim ngắn... do các cấp bộ Đoàn xây dựng nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng được thanh thiếu niên yêu thích, đón nhận.
Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn cho biết việc tuyên truyền, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho đoàn viên thanh niên, tiếp tục rèn luyện, tu dưỡng và trưởng thành đã được các cấp bộ Đoàn triển khai bằng các giải pháp cụ thể. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng trong toàn Đoàn; trở thành nhu cầu tự thân của tuổi trẻ; mô hình tủ sách, chuyên trang online “Bác Hồ với thanh thiếu nhi” được duy trì và nhân rộng. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được triển khai quyết liệt với nhiều đổi mới, sáng tạo, tăng cường tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị toàn Đoàn, chú trọng tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi được tăng cường. Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội được cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi hưởng ứng tích cực với hơn 2,5 triệu tin tốt, câu chuyện đẹp đã được đăng tải, góp phần lan tỏa các giá trị tốt đẹp của cuộc sống, đẩy lùi những thông tin xấu, độc hại. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành thói quen “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” được đẩy mạnh...
Đặc biệt, các cấp bộ Đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tích cực tham gia vào việc thực hiện những chính sách an sinh xã hội, khởi nghiệp lập nghiệp thông qua các phong trào hành động cách mạng của thanh niên.
Các cấp bộ Đoàn quan tâm triển khai thực hiện công tác an sinh xã hội đối với nhóm dễ bị tổn thương thông qua các hoạt động: Chương trình “Tình nguyện mùa Đông, Xuân tình nguyện”, “Xuân biên giới, Tết biển đảo”, Chương trình “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Tết cho người nghèo”, ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, Hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng, tham gia hiến máu cho ngân hàng máu sống, máu hiếm, giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão, “Tiếp sức người bệnh”, “Mang âm nhạc đến bệnh viện”... Đặc biệt, trong thời gian qua, các hoạt động tham gia hỗ trợ bệnh nhân COVID- 19 được triển khai rộng khắp có hiệu quả rõ nét như: Chương trình "Triệu túi an sinh", "Triệu bữa cơm", “Cùng em học trực tuyến”, “Nối vòng tay thương”, “Triệu ly sữa và Hành trình của những cuốn sách”; Chương trình “Chia sẻ cùng em thơ, chung tay vượt qua đại dịch”; tổ chức Ngày cao điểm “Chiến sĩ tình nguyện vì đàn em thân yêu”… Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên cũng là lực lượng tích cực tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả của bão lũ, thiên tai, hỏa hoạn... kịp thời giúp người dân khi có những biến cố xảy ra.
Quán triệt tư tưởng của Bác: Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn cho biết, Trung ương Đoàn đã tập trung triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” với những tiêu chí cụ thể phù hợp với lứa tuổi, trình độ nhận thức, đặc điểm, điều kiện sống, học tập, lao động của thanh thiếu nhi từ giá trị cốt lõi “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”. Phát hiện, bồi dưỡng, tuyên dương điển hình tiên tiến và huy động người nổi tiếng, có uy tín để định hướng, giáo dục thế hệ trẻ. Từ đó góp phần quan trọng trong giáo dục đoàn viên, thanh thiếu nhi lòng nhân ái, tính trung thực, trách nhiệm, tinh thần hiếu học, yêu lao động, tác phong công nghiệp, ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.
Lan tỏa tinh thần sẻ chia nhân ái
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết với chức năng, nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tính chất “kép” trong công tác dân vận tại cơ quan Trung ương Hội được Đảng bộ cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định rất rõ. Mỗi cán bộ, đảng viên của cơ quan vừa là chủ thể nhưng cũng đồng thời là đối tượng của công tác dân vận. Là chủ thể của công tác dân vận khi thực hiện nhiệm vụ với tư cách là thành viên của tổ chức được Đảng giao trách nhiệm nòng cốt trong công tác phụ nữ, mặt khác, tại cơ quan Trung ương Hội, Đảng ủy luôn coi trọng việc thực hiện tốt các yêu cầu về công tác dân vận nhìn từ góc độ mỗi cán bộ, đảng viên của cơ quan chính là đối tượng của công tác dân vận.
Xuất phát từ tính chất của cơ quan Trung ương Hội, bà Đỗ Thị Thu Thảo nhấn mạnh việc trách nhiệm, thấu đáo để đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu thiết thân của phụ nữ trong mỗi chủ trương tham mưu là yêu cầu đặt ra trước hết đối với mỗi cán bộ trong cơ quan. Muốn vậy điều kiện trước hết là cán bộ phải có tác phong dân vận như Bác Hồ đã từng nói “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Yêu cầu về phong cách “Làm việc khoa học, trách nhiệm; lối sống giản dị, trọng dân, sát phong trào, hiểu phụ nữ” và chuẩn mực đạo đức “Tự tin, tự trọng, tận tụy, sáng tạo, nói đi đôi với làm, sâu sát cơ sở” được đặt ra với cán bộ cơ quan Trung ương Hội- bà Thu Thảo cho biết.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội chia sẻ "chúng tôi nhận thức sâu sắc công tác phụ nữ và các hoạt động công tác Hội nếu không góp phần chăm lo một cách cụ thể, chu đáo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, phụ nữ nói riêng thì dù có nói bao nhiêu về công tác dân vận cũng không có sức thuyết phục, nhất là trong điều kiện đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID- 19 trong thời gian vừa qua". Chính vì vậy, Trung ương Hội đã linh hoạt, sáng tạo và kịp thời thay đổi cách thức tổ chức các hoạt động thích ứng với tình hình dịch bệnh, đặc biệt là trong các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ cả nước vừa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, vừa duy trì các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành cũng như trong tổ chức các hoạt động; chuyển nhanh từ các hoạt động trực tiếp sang trực tuyến, ứng dụng mạng xã hội để làm việc, trao đổi, cung cấp thông tin, kiến thức cho hội viên, phụ nữ; cài đặt, sử dụng các ứng dụng phòng, chống dịch...
Thông qua nhiều phong trào, chương trình ý nghĩa, nhân văn, Hội đã vận động được sự vào cuộc nhiều bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là lan tỏa tinh thần sẻ chia nhân ái trong chính chị em tham gia hỗ trợ tiền, hiện vật hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, thiên tai, có đời sống khó khăn. Chỉ trong thời gian ngắn phát động, phong trào “Phụ nữ cả nước vì miền Nam ruột thịt” đã huy động được 150 tỷ đồng; chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” huy động được gần 620 nghìn suất quà (trị giá 186 tỷ đồng); chương trình “Mẹ đỡ đầu” bước đầu đã vận động, kết nối, hỗ trợ chăm sóc cho khoảng 400 trẻ mồ côi do COVID- 19...
Công tác vận động phụ nữ tham gia phòng, chống dịch đặc biệt coi trọng phương châm “4 tại chỗ”, nhất là “Hậu cần tại chỗ” trong quá trình thực hiện với rất nhiều mô hình, cách làm mang lại hiệu quả thiết thực giúp các gia đình đang bị cách ly hoặc gặp khó khăn do đại dịch, như đi chợ giúp, thu hoạch nông sản giúp, mô hình “Bếp ăn 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”..., tích cực tham gia các Tổ COVID cộng đồng...
Nhấn mạnh làm tốt công tác dân vận ở các cơ quan Trung ương chính là đóng góp thiết thực nhất của cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thấy rằng công tác dân vận phải được xem là một bộ phận cực kỳ quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong Đảng bộ Khối; cần giới thiệu các mô hình “Dân vận khéo” trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, từ đó nhân rộng những mô hình hay, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác dân vận trong Khối các cơ quan Trung ương- bà Đỗ Thị Thu Thảo đề xuất.