Trong tình hình mới, vai trò của cộng đồng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc càng cần được coi trọng. Nhân dịp này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh có bài viết: “Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”.
TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết:
Trong các chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, từ những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cho đến khi bước vào thời kỳ Đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều có những đóng góp quan trọng.
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành một trụ cột trong công tác đối ngoại của đất nước ta. Trong tình hình mới, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc càng cần được coi trọng. Yêu cầu có tầm quan trọng chiến lược này đặt ra những nhiệm vụ mới, toàn diện hơn cho công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới.
Người Việt Nam ở nước ngoài - “bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”
Đoàn kết, hướng về cội nguồn luôn là truyền thống quý báu của mọi người con đất Việt. Dù xa cách bao lâu, dù ở đâu, làm gì, dù khó khăn, gian khổ đến đâu, bà con kiều bào vẫn luôn hướng về quê hương, mong muốn được góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay từ những ngày đầu của cách mạng Việt Nam, dưới sự vận động và dẫn dắt của Bác Hồ kính yêu, phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp, Thái Lan, Lào… đã được hình thành, hiệu triệu những người con đất Việt hướng về Tổ quốc. Trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, kiều bào ta đã ủng hộ to lớn cả về vật chất và tinh thần, tích cực tham gia các phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam, vận động nhân dân và chính giới các nước ủng hộ Việt Nam cho đến ngày non sông thu về một mối.
Trong thời kỳ Đổi mới, kiều bào đã góp thêm tiếng nói, vận động nhiều nước gỡ bỏ hàng rào cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đóng góp nguồn lực kinh tế và tri thức để dựng xây và phát triển quê hương, để đưa Việt Nam ra với thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam.
Hỗ trợ kiều bào hội nhập vào xã hội sở tại và gắn kết với quê hương
Hiểu rõ vai trò quan trọng và nguồn lực to lớn của kiều bào, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách phù hợp qua các thời kỳ. Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 và Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị đều khẳng định nhất quán chủ trương: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Sự đổi mới tư duy thể hiện ở các định hướng lớn nêu tại các văn bản trên đã tạo ra bước chuyển biến căn bản cả về nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và mọi người dân trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Một trong những kết quả nổi bật sau 16 năm thực hiện Nghị quyết 36 và 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 chính là công tác hỗ trợ kiều bào được triển khai toàn diện, qua đó đã giúp kiều bào ta từng bước nâng cao địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống và hội nhập tích cực vào xã hội sở tại. Trong các hoạt động đối ngoại hoặc những dịp kiều bào về nước, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con; đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng người Việt ở sở tại. Ở nhiều nơi, kiều bào thực sự trở thành cầu nối để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa đất nước sở tại với Việt Nam.
Đối với những địa bàn khó khăn hoặc khi kiều bào gặp hoạn nạn do thiên tai, dịch bệnh..., Đảng, Nhà nước luôn kề vai, sát cánh cùng bà con với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mặc dù trong nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn quan tâm, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, cung cấp tài liệu tư vấn, khuyến cáo phòng chống dịch cho bà con, tổ chức khoảng gần 190 chuyến bay đưa hơn 53.000 công dân từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước (tính đến giữa tháng 10/2020).
Công tác hỗ trợ cộng đồng đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau cũng được quan tâm cao. Cho đến nay, có khoảng trên 500 hội đoàn thường xuyên liên hệ, phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động hướng tới cộng đồng, triển khai nhiều chương trình dạy và học tiếng Việt, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Hàng chục điểm trường, lớp tiếng Việt được nhà nước tài trợ các hội đoàn xây dựng, vận hành, quản lý; hàng trăm giáo viên được hỗ trợ lương, tập huấn về nghiệp vụ sư phạm... Qua công tác đối ngoại, tiếng Việt đã được công nhận và giảng dạy như ngoại ngữ thứ hai ở các trường phổ thông tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ có đông người Việt. Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật thường xuyên được tổ chức để đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần của kiều bào.
Triển khai các yêu cầu, nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 về vận động ngày càng nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước, công tác xây dựng và triển khai các chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, từ quốc tịch đến sở hữu nhà ở, xuất nhập cảnh, đầu tư..., đã được quan tâm thúc đẩy và đạt được nhiều kết quả tích cực[1], tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, công tác vận động, thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng đi vào chiều sâu. Trong 5 năm qua, hàng loạt hội nghị, hội thảo, diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân kiều bào với các đối tác, đồng nghiệp trong nước đã được tổ chức.
Các cơ chế, chính sách khuyến khích và trọng dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là kiều bào trẻ về nước hoạt động khoa học - công nghệ, đóng góp ý kiến đối với các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng được hoàn thiện. Việc hỗ trợ, tư vấn, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước đầu tư, kinh doanh; huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài; kết nối các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai mạnh mẽ và đạt hiệu quả ngày càng cao.
Không chỉ tập trung phát huy nguồn lực của kiều bào, công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài còn hướng đến việc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm đối với đất nước trong mỗi kiều bào. Thông qua việc tham dự các hoạt động như “Xuân Quê hương”, Trại hè, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1…, những người con xa quê đã được tận mắt chứng kiến những đổi thay của đất nước và thấm thía hơn lời dạy của Bác Hồ: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, kiều bào ta trên khắp thế giới đã có những hành động thiết thực, “đồng cam cộng khổ” với đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Khi “Tổ quốc gọi tên mình”, triệu trái tim của người con đất Việt ở khắp năm châu đã cùng chung nhịp đập, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn trên mặt trận đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Những kết quả trên cho thấy công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang đáp ứng tốt hơn những trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó, cũng như tình cảm, nguyện vọng của bà con kiều bào. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận, công tác này vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Việc hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài nâng cao địa vị pháp lý và ổn định cuộc sống ở một số địa bàn còn gặp khó khăn.
Việc thực hiện một số chính sách, quy định liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài đã bộc lộ một số bất cập. Việc thu hút nguồn lực của kiều bào dù đạt những kết quả tích cực song chưa thực sự khai thác hết thế mạnh của người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, trong quảng bá hình ảnh Việt Nam ở sở tại. Công tác dạy và học tiếng Việt, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của kiều bào.
Tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phục vụ các mục tiêu phát triển và hội nhập trong thời kỳ chiến lược mới
Trong những năm tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục phức tạp và tác động nhiều mặt tới môi trường an ninh, phát triển của đất nước ta, tạo ra thuận lợi, thách thức đan xen. Việt Nam bước vào thời kỳ chiến lược mới (2021-2030) với yêu cầu cao hơn về phát triển, hội nhập. Trong điều kiện đó, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài cần có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc hơn. Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được trong thực hiện Chỉ thị 45 và Nghị quyết 36 thời gian qua, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chính sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng về củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Cần thực sự coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là “bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” trong xây dựng, triển khai các chính sách liên quan. Tiếp tục đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào củng cố địa vị pháp lý, yên tâm công tác, học tập, làm ăn, hội nhập tốt hơn vào sở tại.
Thứ hai, chú trọng nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh cũng như nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của kiều bào để làm cơ sở sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ ba, sớm xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh việc thu hút nguồn lực kinh tế, tri thức của người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Tập trung khai thác thế mạnh của trí thức kiều bào, đặc biệt là kiều bào trẻ, thông qua vai trò làm cầu nối giới thiệu hợp tác, chuyển giao công nghệ của nước ngoài.
Thứ tư, rà soát các hoạt động hỗ trợ, kết nối kiều bào ở trong và ngoài nước để có những cải tiến phù hợp về nội dung và hình thức, khai thác tốt các thế mạnh của công nghệ thông tin và những mặt tích cực của mạng xã hội; chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, nhằm làm cho kiều bào, đặc biệt là thế hệ trẻ, ngày càng hướng về quê hương, đất nước.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới là nhiệm vụ chung của các bộ, ngành, địa phương, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài... Vì vậy, cần tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài; nâng cao hiệu quả phối hợp cả ở trong và ngoài nước để việc triển khai chính sách về người Việt Nam ở nước ngoài được thống nhất, đồng bộ, kịp thời, mang lại hiệu quả cao hơn.
Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm của các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của người dân ở trong và ngoài nước, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Đó cũng chính là khát vọng, niềm tin của mọi người con đất Việt trên khắp năm châu.
[1] Tính đến nay, trên 100 văn bản, gồm luật và các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài đã được ban hành.