Tham dự, chỉ đạo và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí là lãnh đạo Đảng, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, trên 400 đại biểu trong nước, quốc tế cùng khoảng gần 10.000 đại biểu tại các điểm cầu là thường trực tỉnh ủy, thành ủy, sở, ngành, các ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện, đại diện của các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác các cấp trên cả nước.
Một trụ đỡ quan trọng để giảm nghèo và phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, kể từ khi thành lập đến nay, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta là phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Từ những chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng đối với các đối tượng chính sách trong quá trình phát triển kinh tế, công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống chỉ còn dưới 3% vào năm 2020. Việt Nam đã sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển về xóa đói giảm nghèo.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và thông qua đó, tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người nghèo, các đối tượng chính sách. Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương, các địa phương đã phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện tới các đơn vị, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, tạo sức lan tỏa, cộng đồng trách nhiệm rộng rãi trong xã hội.
Kể từ sau khi Chỉ thị 40-CT/TW được ban hành vào tháng 11/2014, các cấp ủy đảng, chính quyền đã thường xuyên thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Đến nay, 100% cấp ủy, đảng, chính quyền ban hành văn bản chỉ đạo, lãnh đạo công tác tín dụng chính sách xã hội, chủ động bố trí ngân sách uỷ thác, huy động các nguồn lực và sử dụng nguồn vốn gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW cho thấy, trong 5 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng hơn 91 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014. Nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác để cho vay tăng 15.697 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 31,3%, tăng gấp 4,1 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị 40, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt 19.505 tỷ đồng. Huy động vốn của xã hội đạt hơn 31,5 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 25 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 90.109 tỷ đồng. Tổng số tiền đã giải ngân đạt 336.944 tỷ đồng cho trên 12 triệu lượt hộ được vay vốn, trong đó có hơn 2,1 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững; xây dựng trên 7,3 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách; gần 346 nghìn lượt học sinh, sinh viên được vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội để tiếp tục học tập vươn lên trong cuộc sống; trên 1,3 triệu lượt người được vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội để tạo công ăn việc làm cũng như 24 nghìn lượt người được vay vốn đi xuất khẩu lao động…
Có thể khẳng định chính sách tín dụng xã hội là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đây cũng là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2014-2019, số hộ nghèo giảm nhanh, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 giảm từ 14,2% xuống 4,25%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 5,23% (năm 2018), 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 900 nghìn lao động, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông dân, nông thôn.
Thực tế trong những năm qua, Chỉ thị 40 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống bởi phù hợp và đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Qua đó cũng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước góp phần thực hiện được mục tiêu tăng trưởng đi đôi với phát triển, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng. Đây cũng là minh chứng khẳng định chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về tín dụng chính sách xã hội đã đề ra tại Chỉ thị 40-CT/TW là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả hơn nữa
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng biểu dương và ghi nhận những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là Ngân hàng chính sách xã hội đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương đề ra trong Chỉ thị 40 và đạt những kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua.
Cơ bản đồng tình với các nhận định cho rằng, các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Chỉ thị 40 của Ban Bí thư vẫn còn nguyên giá trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra là cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả hơn nữa để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến cùng với kết quả để đề xuất, kiến nghị với Ban Bí thư ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi, nhân rộng những cách làm hay, mô hình mới, sáng tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng lưu ý, hiện nay, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Thường trực ban Bí thư Trần Quốc Vượng yêu cầu, phải tập trung sức làm tốt hơn công tác tín dụng chính sách xã hội, hỗ trợ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn cho người nghèo, người yếu thế. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng, cả trước mắt và lâu dài; Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện ngày càng tốt hơn nữa chủ trương, quan điểm nêu trong Chỉ thị.
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch hằng năm, hằng tháng hoặc hằng quý của mình. Thực hiện thật tốt Chỉ thị 40 là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.
Cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; quan tâm công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn; phối hợp giữa các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần phát huy tốt vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân đối với công tác này. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần mở rộng cuộc vận động vì người nghèo, huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.
Ngân hàng Chính sách xã hội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả hoạt động, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức , người lao động.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để Ngân hàng chính sách xã hội hoàn thành ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, sử dụng ngày càng hiệu quả nguồn vốn được giao, được ủy thác,không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tích cực góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”; thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Dịp này, 22 tập thể và cá nhân đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, chỉ đạo và triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; 25 tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; 60 Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn là người dân tộc thiểu số được nhận Bằng khen của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.