Đảm bảo yêu cầu thực hiện chức năng quản lý nhà nước
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đã chủ động rà soát, nghiên cứu, xây dựng và trình ban hành hoặc ban hành kịp thời các văn bản pháp luật để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến tổ chức bộ máy, đảm bảo thực hiện nghiêm túc chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị đã được thể hiện rõ ràng, cụ thể, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ giữa các đơn vị.
Từ chỗ một việc giao cho nhiều đơn vị thực hiện nhưng không có đơn vị nào chịu trách nhiệm cụ thể, chuyển sang một đơn vị có thể làm nhiều việc và một việc chỉ có thể giao cho một đơn vị chứ không thể giao cho nhiều đơn vị thực hiện như trước đây. Theo Phó Thống đốc, cơ cấu tổ chức được xác định một cách phù hợp đã góp phần nâng cao tính độc lập, thống nhất về hoạt động nghiệp vụ, từng bước thực hiện đúng thông lệ, chuẩn mực quốc tế của ngân hàng trung ương hiện đại, đồng thời đảm bảo yêu cầu thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, ngoại hối.
Tính đến ngày 31/12/2016, biên chế thực hiện của Ngân hàng Nhà nước là 5.314 người, thấp hơn 273 chỉ tiêu so với biên chế Ngân hàng Nhà nước đã giao cho các đơn vị và thấp hơn 358 chỉ tiêu so với biên chế Bộ Nội vụ giao cho Ngân hàng Nhà nước. Theo lộ trình từ nay đến năm 2021, biên chế của toàn hệ thống Ngân hàng Nhà nước năm 2021 sẽ giảm tối thiểu 10% so với biên chế được giao năm 2015.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị được thực hiện quy định về tổ chức của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010; trao thẩm quyền cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để chủ động hơn trong việc điều chỉnh, sắp xếp mô hình tổ chức các phòng trong các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.
Thực hiện tinh giản biên chế chưa hiệu quả
Tại cuộc làm việc, đa số ý kiến trong Đoàn giám sát đánh giá Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, trình bày nhiều yếu tố liên quan, tác động đến cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở Ngân hàng Nhà nước; đánh giá được những kết quả, hạn chế và đề xuất một số giải pháp, kiến nghị để tăng cường hiệu quả công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
Báo của của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính tới thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tinh giản biên chế đối với 1 viên chức hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi; 1 viên chức và 2 công chức đang đề nghị thực hiện tinh giản biên chế hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi. Thành viên Đoàn giám sát Cao Thị Xuân băn khoăn vì việc tinh giản thực hiện được ít. Giải đáp vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng lý giải Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản biên chế được ban hành năm 2014, đến năm 2015 mới có đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành nên Ngân hàng Nhà nước mới thực hiện tinh giản biên chế từ năm 2016.
Thống đốc nêu kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế của Ngân hàng Nhà nước còn chưa hiệu quả còn do một số nguyên nhân như một số công chức, viên chức và người lao động mong muốn được thực hiện chính sách tinh giản biên chế nhưng lại không thuộc đối tượng được tinh giản biên chế. Ở một khía cạnh khác, Thống đốc nhìn nhận mức độ hỗ trợ đối với các đối tượng tinh giản biên chế chưa đủ hấp dẫn để công chức, viên chức và người lao động tự nguyện đề nghị được thực hiện tinh giản biên chế. Thống đốc cho biết, thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Ban cán sự Ngân hàng Nhà nước đã có nghị quyết và chương trình hành động cụ thể cho từng năm và cả nhiệm kỳ.
Một trong nhiều vấn đề được Đoàn giám sát quan tâm là hiện nay, ngoài các đơn vị được quy định tại Nghị định số 156, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã thành lập một số Ban để phục vụ chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng. 4 Ban mới được thành lập gồm: Ban Quản lý các dự án tín dụng quốc tế ODA; Ban Quản lý dự án đầu tư hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng; Ban Quản lý đầu tư phát triển và mở rộng Nhà máy in tiền quốc gia giai đoạn 2009-2020 và Ban Truyền thông.
Giải trình làm rõ hơn về vấn đề này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết trong 4 Ban được thành lập thì có tới 3 Ban Quản lý dự án. Những ban này sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được giải thể. Còn đối với Ban Truyền thông được thành lập năm 2015, Thống đốc lý giải, việc quyết định để ra đời Ban Truyền thông đã được cân nhắc kỹ. Xuất phát từ vai trò đặc biệt quan trọng của công tác truyền thông đối với chính sách tiền tệ của ngân hàng Nhà nước nên Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu đề xuất thành lập.
Thống đốc nói khi xây dựng nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, vấn đề có hay không thành lập Ban Truyền thông đã được bàn luận rất kỹ mới quyết định trình Chính phủ bởi truyền thông ngành ngân hàng có tính chất đặc thù. Tất cả ngân hàng trung ương các nước đều có 4 trụ cột: Điều hành chích sách tiền tệ; thanh tra giám sát các tổ chức tín dụng; tổ chức vận hành quản lý giám sát hệ thống thanh toán quốc gia và truyền thông chính sách.
Theo Thống đốc, lĩnh vực này tác động trực tiếp hằng ngày tới mọi mặt của đời sống xã hội, tâm lý người dân, doanh nghiệp. Những thay đổi về chính sách tiền tệ cần được truyền thông một cách chính thống, kịp thời, đầy đủ, chuyên môn và bài bản. Chính vì vậy Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Chính phủ để thành lập thêm Ban mới. Tuy nhiên, việc thành lập này không làm tăng biên chế mà sử dụng số biên chế đã có. Đồng thời khi thành lập Ban Truyền thông thì đồng thời cũng đã giải tán Văn phòng đại diện ở phía nam thành 1 chi cục trực thuộc, như vậy về tổng thể là tăng một giảm một chứ không phải là phình bộ máy - Thống đốc cho biết.
Về việc thành lập các phòng trong Vụ, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, luật đã quy định vấn đề này từ nhiều năm trước, "nhiều năm nay, các Vụ của Ngân hàng Nhà nước đều lập các phòng và hoạt động rất ổn định". Ngoài cơ sở pháp lý, tính ổn định và lịch sử, Thống đốc cho biết thêm vấn đề thành lập phòng trong Vụ đã được thảo luận nhiều. Trong Nghị định 16 đã quy định rất rõ Vụ nào được phép thành lập phòng, số lượng là bao nhiêu phòng.
Tiếp tục nhấn mạnh tới tính đặc thù của hoạt động ngân hàng, Thống đốc nêu, cán bộ ngân hàng có từ nhiều nguồn trong nước, ngoài nước, được đào tạo từ các lĩnh vực trong khi việc điều hành hoạch định chính sách và tham mưu chính sách điều hành thị trường hằng ngày đòi hỏi rất chuẩn xác, kịp thời, cho nên bắt buộc phải có tầng trung gian cấp phòng rồi lên cấp vụ và lên Ban lãnh đạo để đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình. Hơn nữa, nghiệp vụ của ngân hàng trung ương được thực hiện ở nhiều cục, vụ khác nhau, đòi hỏi phải có sự tách bạch... Thống đốc cho biết trước đây cơ cấu là 447 phòng, nay Ngân hàng Nhà nước đã rất mạnh tay, cắt khoảng 15% số phòng hiện có.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Uông Chu Lưu đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị công phu báo cáo, nêu được nhiều nội dung Đoàn giám sát yêu cầu. Báo cáo đã phản ánh toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 của Ngân hàng Nhà nước... Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị qua các ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, Ngân hàng Nhà nước cần bổ sung thêm các văn bản triển khai cải cách bộ máy ở các đơn vị, có sơ đồ kèm theo, có biểu đồ để thể hiện rõ sự tăng, giảm về tổ chức bộ máy, biên chế trong giai đoạn 2011-2016...