Phiên họp có sự tham gia của ông Martin Chungong, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc, Trưởng các cơ quan đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam, cùng các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố.
Trình bày Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và tình hình triển khai thực hiện cũng như thách thức trong huy động nguồn lực tài chính và vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nêu rõ: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát bền vững đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 25-27/9/2015 tại New York, Mỹ. Việt Nam cam kết tập trung mọi nguồn lực, huy động sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Năm 2017, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Việc xây dựng Kế hoạch hành động được thực hiện dựa trên một quá trình rà soát các chiến lược, chính sách quan trọng, chủ yếu của quốc gia, ngành, lĩnh vực, có so sánh, đối chiếu với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững toàn cầu. Quá trình xây dựng Kế hoạch hành động cũng có sự tham tích cực của các bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức xã hội, các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, đại diện cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan khác.
Kế hoạch hành động đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển đến năm 2030 của Việt Nam với 115 mục tiêu cụ thể. Trong đó, 115 mục tiêu cụ thể đã phản ánh được 150/169 mục tiêu toàn cầu. Một số mục tiêu không đưa vào do không phù hợp với bối cảnh và trình độ phát triển của Việt Nam.
Chia sẻ về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động và các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, đến nay Việt Nam đã triển khai thực hiện một số hoạt động chính như: Thành lập Tổ công tác liên ngành về các mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng và tham gia trình bày Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện của Việt Nam tại Diễn đàn Chính trị cấp cao của Liên hợp quốc về phát triển bền vững năm 2018 tại NewYork, Mỹ. Báo cáo đã được các quốc gia đánh giá cao về công tác chuẩn bị nội dung và trình bày; xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Đến nay, đã có 10 bộ và 29 địa phương ban hành Kế hoạch hành động; xây dựng lộ trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 12/2018...
Thời gian tới, Việt Nam sẽ thúc đẩy nâng cao nhận thức của toàn xã hội, huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển bền vững; xây dựng hướng dẫn lồng ghép các Mục tiêu Phát triển bền vững vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hướng dẫn giám sát, đánh giá các Mục tiêu Phát triển bền vững và ban hành trong năm 2019. Bên cạnh đó, thực hiện việc lồng ghép các Mục tiêu Phát triển bền vững vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành, địa phương và các Kế hoạch, Chiến lược liên quan (ví dụ như: Giảm nghèo, nông thôn mới, bình đẳng giới, tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu…).
Để thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, thách thức đặt ra chính là huy động nguồn lực tài chính, bởi hiện nay chưa có một báo cáo đầy đủ về nhu cầu nguồn lực tài chính cho thực hiện tất cả các Mục tiêu Phát triển bền vững tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số nghiên cứu, công bố đã cho thấy phần nào bức tranh về tài chính cho các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Báo cáo Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam do UNDP thực hiện gần đây cũng đã đưa ra một bức tranh tổng thể và có những phân tích, nhận định rất quan trọng về thực trạng, những khó khăn trong huy động các nguồn tài chính cho thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững ở Việt Nam như: Nguồn thu của chính phủ không đáp ứng một cách bền vững các nghĩa vụ chi tiêu ngày càng gia tăng; các khoản vay ODA đang giảm dần và mức ưu đãi cũng giảm dần; mức nợ công gia tăng nhanh và gần chạm trần; đầu tư tư nhân là rất quan trọng cho thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, song còn thấp so với mức bình quân của các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu được xem là một trong những phương thức quan trọng để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Theo ước tính của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam cần 5% GDP hằng năm để khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu và cần 30 tỷ USD để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh đến năm 2030. Tuy nhiên, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu mới chỉ thực hiện được một phần các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Theo kết quả sơ bộ của báo cáo, ước tính tổng nhu cầu vốn trên 5 lĩnh vực chính là giáo dục, y tế, giao thông nông thôn, điện, nước đến năm 2030 đạt khoảng 108 tỷ USD, trong đó khu vực công chỉ đáp ứng khoảng 75,8 tỷ USD. Như vậy, riêng đối với 5 lĩnh vực nêu trên, Việt Nam cần phải bổ sung thêm 32,3 tỷ USD. Nguồn lực này hoàn toàn có thể huy động từ khu vực tư nhân thông qua hình thức đối tác công tư (PPP), nguồn vốn ODA và các hình thức khác.
Để có thể thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững tại Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, Quốc hội đóng vai trò then chốt thông qua các hoạt động như: Giám sát việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chính sách liên quan đến các Mục tiêu Phát triển bền vững và giám sát chi tiêu ngân sách ở cấp quốc gia và địa phương cho các chương trình, hoạt động liên quan đến các Mục tiêu Phát triển bền vững. Việc giám sát sẽ được gắn với trách nhiệm giải trình về thực hiện các chính sách và chương trình quốc gia được điều chỉnh phù hợp với các Mục tiêu Phát triển bền vững. Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cũng chính là đại diện cho người dân, chuyển tải tiếng nói của người dân trong việc giám sát các hoạt động của nhà nước.
Bên cạnh đó, vai trò giám sát của Quốc hội sẽ được tăng cường thông qua việc áp dụng Bộ công cụ tự đánh giá Nghị viện, thể hiện qua các khía cạnh như: Tăng cường năng lực của Đại biểu Quốc hội về các Mục tiêu Phát triển bền vững và vai trò giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững ở tầm quốc gia; tăng cường vai trò lập pháp của Quốc hội liên quan đến các Mục tiêu Phát triển bền vững ở cấp quốc gia và địa phương; tăng cường vai trò giám sát chi tiêu nhằm đảm bảo nguồn lực công được sử dụng hiệu quả cho việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, đặc biệt là cho những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội...
Chia sẻ về sự tham gia của IPU và các nghị viện thành viên vào quá trình xây dựng, thúc đẩy thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững, ông Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU khẳng định, chủ đề chính của các Mục tiêu Phát triển bền vững là "Không để ai bị bỏ lại phía sau", trong đó Quốc hội đại diện cho nhân dân sẽ đóng vai trò là trung tâm của cả một cơ chế, từ cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu trong việc giám sát thực thi các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Ông Martin Chungong nhấn mạnh, Việt Nam là nước đi đầu trong những nỗ lực lồng ghép các Mục tiêu Phát triển bền vững. Vào tháng 5/2017, tại TP Hồ Chí Minh, IPU và Quốc hội Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ công bố Bộ Tiêu chí tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững dành cho các Nghị viện do IPU và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) xây dựng. Đặc biệt, Hội nghị Quốc hội và các Mục tiêu Phát triển bền vững lần này đã thể hiện được tầm quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong việc giám sát thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chính sách liên quan đến các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Ông Martin Chungong cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần huy động sự tham gia mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững như đã cam kết.