Nội dung chính được các đại biểu đóng góp ý kiến là tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách và tiêu chuẩn của đại biểu để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, cần nâng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách từ mức ít nhất 35% lên 40% trong tổng số đại biểu Quốc hội được bầu ra. Việc tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách là phù hợp với mục tiêu Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tăng sẽ thúc đẩy vai trò của Quốc hội trong mọi lĩnh vực hoạt động và nâng cao hơn nữa trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước.
Đồng tình với quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, nâng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội là cần thiết. Theo đại biểu, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, của một quốc gia. Hoạt động của Quốc hội chủ yếu thông qua việc tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, nghiên cứu tài liệu và đặc biệt là các cuộc họp. Quốc hội là họp việc nước, bởi vậy, trước hết trong Quốc hội cần có những người ưu tú, hiểu biết, tận tâm, tận lực và điều quan trọng là có đủ thời gian để thực thi cho được quyền lực đó.
Theo đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên), mỗi địa phương nên có ít nhất 2 đại biểu chuyên trách, một đại biểu là lãnh đạo đoàn và một đại biểu hoạt động chuyên trách, như vậy vừa đảm bảo tính kế thừa, tính liên tục và đặc biệt đáp ứng yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ.
Sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là không phù hợp
Về vấn đề sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng không phù hợp do chức năng, nhiệm vụ không giống nhau và tách bạch ở mức độ tham mưu. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội ngoài các nhiệm vụ chung còn có nhiệm vụ hết sức đặc biệt là tham mưu để hỗ trợ đại biểu trình các dự án luật như các chuyên viên, cán bộ của Văn phòng Quốc hội. Trong khi đó, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương là Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Đại biểu cho rằng, việc sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội vào văn phòng giúp việc của chính quyền địa phương không phù hợp và khập khiễng. Bên cạnh đó, cán bộ, chuyên viên của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội làm việc như cán bộ, chuyên viên của Văn phòng Quốc hội. Hiện tại, chuyên viên và cán bộ của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội hưởng chính sách như chuyên viên và cán bộ của Văn phòng Quốc hội; nếu sáp nhập thì sẽ chuyển về và hưởng chính sách của địa phương, chưa tạo động lực để khuyến khích đội ngũ này thực hiện tốt các nhiệm vụ.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Đoàn đại biểu Quốc hội được xác định là một thiết chế giám sát, nhưng ở dưới địa phương được coi là ngang hàng, thậm chí còn yếu thế hơn cả các cơ quan bị giám sát là không phù hợp, cần nghiên cứu rất kỹ. Mỗi văn phòng đều có chức năng riêng, từ công tác tổ chức, con người đến nhiệm vụ, chức năng. Cho rằng tất cả những vấn đề có liên quan đến hoạt động Nhà nước, dù có mối liên hệ nhưng phải có sự phân định rất rạch ròi mới có thể làm việc được, đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh việc sáp nhập sẽ không đem lại hiệu quả và cần nghiên cứu thật kỹ.
Cần quy định rõ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, việc lựa chọn đại biểu Quốc hội cần có tiêu chuẩn riêng. Ở nước ngoài, nghị sĩ Quốc hội là chính khách và yêu cầu tiêu chuẩn là rất cao nhưng hiện nay đại biểu Quốc hội ở Việt Nam chưa xếp vào hàng nào ở trong hệ thống cán bộ.
"Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, quyết định mọi vấn đề của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Điều đó đòi hỏi các vị đại biểu Quốc hội cũng phải am hiểu tương đối toàn diện các lĩnh vực của đất nước, về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đại biểu Quốc hội không thể nói là việc này em không học, em không làm nên em không biết, em không tham gia được; không thể như vậy được, mà phải biết để tham gia", đại biểu nêu ý kiến.
Theo đại biểu, hiện nay Trung ương Đảng đã có quy định tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh cán bộ, đại biểu Quốc hội cũng cần được quy định cụ thể. Ngoài 5 tiêu chuẩn chung đã quy định, cần có những quy định cụ thể đối với đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội phải am hiểu tương đối toàn diện các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, có khả năng phân tích, tổng hợp, tư duy phản biện, có kỹ năng diễn đạt và biểu đạt ý kiến.
Chung ý kiến, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp đều chức năng riêng, mỗi một cán bộ đều có tiêu chuẩn riêng, vậy tại sao đại biểu Quốc hội là cơ quan dân cử lại không có tiêu chuẩn riêng mà hòa lẫn tiêu chuẩn của cán bộ, công chức. Đại biểu đề nghị quy định rõ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, làm rõ quan điểm xây dựng đại biểu Quốc hội là một chính sách quốc gia, đảm bảo cho vị thế, vai trò của đại biểu Quốc hội trong các hoạt động của Nhà nước.