Bên lề kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII:

Nên giữ lại việc cấp giấy khai sinh

Sáng 28/10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hộ tịch. Bên lề kỳ họp, các đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) đã chia sẻ những vấn đề quan tâm của mình xung quanh dự án Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hộ tịch. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN.


Đề nghị tiếp tục cấp giấy khai sinh


Đại biểu Đinh Xuân Thảo cho rằng những ý kiến đề nghị giữ lại giấy khai sinh chứ không nên thay bằng thẻ căn cước công dân, là thỏa đáng và chính xác. Đại biểu nêu lý do: Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới vẫn sử dụng giấy khai sinh. Pháp luật của các nước cũng quy định trẻ em có quyền khai sinh, khi đi khai sinh sẽ được ghi vào sổ và cấp giấy khai sinh. Giấy khai sinh đó được sử dụng vào nhiều việc. Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, giấy khai sinh như giấy thông hành để sử dụng vào việc đi lại.

Cũng theo đại biểu, thủ tục cấp giấy khai sinh đơn giản, thuận tiện, chi phí rẻ. Việc bỏ cấp giấy khai sinh để làm thẻ căn cước sẽ nảy sinh một số bất cập, đặc biệt đối với trẻ em dưới 14 tuổi. Đại biểu dẫn chứng: Trên thế giới hiện có 3 nhóm nước, một nhóm quy định thẻ căn cước bắt buộc, nhóm thứ hai là các nước sử dụng thẻ căn cước nhưng không bắt buộc, nhóm ba hoàn toàn không có khái niệm thẻ căn cước.

Những nước cấp thẻ căn cước bắt buộc, không bắt buộc đối với những đối tượng có độ tuổi từ 12 tuổi, đa số từ 14, 15 tuổi trở lên. Như vậy, thẻ căn cước chỉ có tác dụng ở việc chứng minh cá nhân người đó và chỉ được sử dụng trong lãnh thổ quốc gia, ý nghĩa giống thẻ chứng minh nhân dân của Việt Nam hiện nay.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo cho biết: Theo dự kiến, thẻ căn cước sẽ không có hình ảnh nhưng có tên bố, mẹ, mặt sau thẻ không có vân tay. Như vậy, những dữ liệu ở thẻ căn cước đã có trong giấy khai sinh rồi. Mặt sau của thẻ căn cước dưới 14 tuổi sẽ có một con chíp ghi dữ liệu vào đó. Nhưng thực tế trẻ dưới 14 tuổi cũng chưa có nhiều dữ liệu để đưa vào mà chíp này chủ yếu chỉ sử dụng cho những đối tượng từ 15 tuổi trở lên.

Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN.


Ngoài ra, thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi có tên bố mẹ, nhưng đến 15 tuổi lại bỏ dữ liệu này. Như vậy có nghĩa là một mẫu giấy tờ nhưng không thống nhất. Nếu theo cách làm này sẽ tạo thêm sự phức tạp. Đối với vùng sâu, vùng xa, quy trình làm giấy khai sinh rất đơn giản mà người dân còn không làm, nếu thực hiện quy trình như thế này sẽ có rất nhiều người không có giấy tờ tùy thân. Việc khám chữa bệnh, đến trường học của trẻ em sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Đồng quan điểm về vấn đề này, đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) cho rằng, việc tiếp tục cấp giấy khai sinh là cần thiết vì từ lâu giấy khai sinh gắn liền với đời sống và đặc biệt quan trọng với trẻ em. Hiện nay, giấy khai sinh đang là loại giấy tờ cần thiết trong nhiều quy trình thực hiện chính sách liên quan đến đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi như bảo hiểm y tế và việc thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Cần nâng cao năng lực của cán bộ cấp cơ sở

Về quy định UBND cấp huyện thực hiện việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào cho rằng, trong điều kiện hiện nay, đội ngũ cán bộ thực hiện công việc này vẫn còn những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, nếu chúng ta mạnh dạn sử dụng đội ngũ cán bộ này tại các vùng giáp biên sẽ tạo sự thuận lợi cho nhân dân trong việc thực hiện các thủ tục đăng ký.

Cũng theo đại biểu, lực lượng cán bộ được giao nhiệm vụ thực hiện các thủ tục đăng ký hộ tịch cấp cơ sở cần nhanh chóng được tăng cường đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, công nghệ thông tin, ngoại ngữ nhằm nâng cao trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo đánh giá: Từ trước đến nay, việc đăng ký, quản lý hộ tịch vẫn được quy định giao cho chính quyền cơ sở đảm nhận với những công việc đơn giản như ghi sổ những trường hợp khai sinh, kết hôn, khai tử. Tuy nhiên, khi các thủ tục, quy trình được số hóa, số liệu được cập nhật đưa vào dữ liệu quốc gia đòi hỏi cán bộ phải là người có trình độ, năng lực.

Theo đại biểu, về lâu dài, phải có quy trình đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ này nhưng trước mắt cần đưa cán bộ cấp huyện, quận chuyên trách quản lý hộ tịch về làm việc tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường mới đáp ứng được ngay những đòi hỏi về chuyên môn nghiệp vụ.


Thu Phương
(TTXVN)
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII: Bội chi cao, nợ công tăng nhanh
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII: Bội chi cao, nợ công tăng nhanh

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Trong hơn một tháng làm việc, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết sách nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và trình một số dự án luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN