Ngành Công Thương cần quan tâm hoàn thiện thể thể kinh tế thị trường

Chiều 2/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 9 tháng và bàn những giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận buổi làm việc. Ảnh: Đức Tám - TTXVN

 

Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, 9 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 109 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất siêu gần 2,5 tỷ USD… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường tiếp tục được đẩy mạnh, trong 9 tháng đã xử lý 66 nghìn vụ với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 280 tỷ đồng.

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, Bộ Công Thương đang tập trung chỉ đạo quyết liệt cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trực thuộc Bộ, trong đó thực hiện thành công cổ phần hóa Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam hoàn thành thoái vốn tại 5 đơn vị…Bộ cũng đã chủ trì và làm tốt vai trò đầu mối đàm phán và thực hiện cam kết thương mại quốc tế và triển khai có hiệu quả công tác đấu trang phòng, chống tham nhũng.

 

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định ngành Công Thương sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra của năm 2014, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-7,2%, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 148 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng khoảng 12%...

 

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các Tập đoàn trực thuộc Bộ đều khẳng định đang triển khai quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp… đồng thời kiến nghị Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn vốn cho các dự án cung cấp điện tới vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, đẩy nhanh tiến độ cấp phép thăm dò và khai thác than, sớm ban hành Nghị định về khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ.

 

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tinh thần chung là ngành Công Thương phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa nhằm hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu ngành đã đề ra cho năm 2014 cũng như hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ của ngành.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, trước hết ngành Công Thương cần đặc biệt quan tâm đến hoạt động quản lý nhà nước của ngành, trong đó hết sức lưu ý đến việc hoàn thiện thể chế, đây là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để thị trường cạnh tranh hơn, minh bạch hơn, bình đẳng hơn, rõ ràng hơn, để phân bổ nguồn lực tốt hơn… Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để ngành Công Thương phát triển bền vững, hội nhập, cạnh tranh trên các lĩnh vực.

 

Trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, Thủ tướng lưu ý chính sách phải hết sức cố gắng để làm sao không để nợ đọng văn bản pháp quy; những gì thuộc về cơ chế, chính sách đang vướng mắc, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp phải xem xét tháo gỡ ngay; những gì vượt thẩm quyền phải khẩn trương tham mưu, đề xuất với Chính phủ xem xét, xử lý. “Các đồng chí thử đi làm doanh nghiệp đi, hay đi làm hộ kinh doanh của người dân đi, các đồng chí sẽ thấy rất nhiều cái vướng mắc rất là vô lý, mà hoàn toàn ta không cần tiền bạc ta có thể sửa được,…”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo ngành tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong đó “thứ nhất điện phải không để thiếu; thứ hai xăng dầu phải ổn định, chất lượng; thứ ba phải đảm bảo được than”, không được để mất ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngành cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; “tái cơ cấu để có hiệu quả cao hơn, công nghệ cao hơn, sức cạnh tranh cao hơn”.

 

Trong tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng yêu cầu ngành phải hết sức lưu ý đến làm tốt cổ phân hóa, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh;… “Tái cơ cấu phải thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, có đề án cụ thể, có quyết tâm làm, không nói chung chung”.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm mở rộng thị trường trong và ngoài nước bởi thị trường quyết định đến sản xuất, đến thu nhập của người dân; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại ra thị trường ngoài nước; đi liền với đó là nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để đảm bảo sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu . Đồng thời khai thác tối đa các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do hiện có, chủ động, tích cực trong thực hiện và kết thúc đàm phán các Hiệp định thương mại tự do mới.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý ngành tiếp tục quan tâm cải đến cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần, “Thủ tục gì gây khó khăn, gây cản trở, gây phiền hà cho doanh nghiệp, cho người dân trên tất cả các lĩnh vực mà Bộ quản lý, các đồng chí phải rà soát, phải sửa đổi với tinh thần là phục vụ, là bảo đảm cho sự phát triển”…

 

Thiện Thuật

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo Lào Cai
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo Lào Cai

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và quy hoạch xây dựng đô thị du lịch Sa Pa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN