Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp. Ảnh: Xuân Cường. |
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/72017), phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách đối với người có công với cách mạng:
Thưa ông, ông có thể cho biết công tác đền ơn đáp nghĩa đã được Bộ LĐTBXH và các địa phương thực hiện như thế nào trong thời gian qua?
Kế thừa truyền thống ngàn đời của dân tộc, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7/1947 là Ngày Thương binh toàn quốc (nay là ngày Thương binh - Liệt sĩ) để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tưởng nhớ, tôn vinh các anh hùng liệt sỹ, các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với nước, những người đã cống hiến, hy sinh, vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Kể từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, nhân văn sâu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong suốt 70 năm qua, kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 đặt “chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sỹ”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến công tác tri ân liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.
Cho đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với hơn 9 triệu người (trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Mẹ Việt Nam anh hùng, 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận). Nhiều chế độ ưu đãi được bổ sung so với trước như chế độ trợ cấp người phục vụ đối với Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống tại gia đình; chế độ trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình; chế độ thờ cúng liệt sĩ,…
Trong đợt tổng rà soát người có công năm 2014-2015, ghi nhận vẫn còn tình trạng tồn đọng hồ sơ người có công, vấn đề này sẽ giải quyết như thế nào, thưa ông?
Qua tổng rà soát, hiện vẫn còn khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là người có công (NCC), chủ yếu thuộc vào ba nhóm đối tượng là thương binh và người hưởng như thương binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hưởng chính sách thanh niên xung phong.
Đây là những thách thức, khó khăn rất lớn cho chúng tôi khi làm chính sách đối với NCC. Những trường hợp này là những hồ sơ tự khai, thường là không có căn cứ, giấy tờ, tài liệu để thiết lập hồ sơ; nhiều trường hợp đã lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện giải quyết (như bị chết, bị thương không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định) song thân nhân vẫn kiến nghị khiếu kiện và có những trường hợp đã được giám định nhưng không có thương tích thực thể hoặc có thương tích nhẹ, không đủ tỷ lệ để xác nhận là thương binh (21% trở lên)…
Trường hợp kê khai song không đủ hồ sơ, chứng cứ như quy định; phần lớn là thương binh, người bị ảnh hưởng chất độc hóa học hoặc thanh niên xung phong tham gia kháng chiến; là những người rất cần hưởng chính sách, nhưng không đủ căn cứ chứng minh hoặc không có hồ sơ người làm chứng...
Bên cạnh đó, cũng có một số đối tượng dù biết không đủ điều kiện, nhưng vẫn nộp hồ sơ, hoặc tìm cách man khai để trục lợi chính sách. Cũng còn một bộ phận tại thời điểm nộp hồ sơ chưa đủ điều kiện do quy định của chính sách, nhưng nay do quy định mới nới rộng ra, điều chỉnh thì họ đủ điều kiện để hưởng chính sách, song chưa được kịp thời giải quyết.
Bộ LĐTBXH xác định việc giải quyết tồn đọng này là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, cần ưu tiên tập trung thực hiện trong năm 2017 và những năm sau. Quan điểm của Bộ LĐTBXH, những người có công đều được tôn vinh, trường hợp nào đủ điều kiện công nhận, xứng đáng được công nhận thì tìm cách công nhận. Vướng mắc hồ sơ thủ tục thì cơ quan chính quyền phải hỗ trợ để hoàn thiện hồ sơ.
Thực tế, sau khi làm thì điểm tại 5 tỉnh thành, Bộ đã triển khai nhân rộng và đã công bố, truy tặng 498 liệt sĩ dịp 27/7 và sẽ thực hiện trao tiếp cho các trường hợp vào dịp 2/9 và 22/12. Bộ LĐTBXH phấn đấu đến năm 2020 sẽ giải quyết xong tồn đọng hồ sơ NCC.
Để khắc phục những điểm chưa hợp lý tại Pháp lệnh người có công với cách mạng, trong thời gian tới Bộ LĐTBXH sẽ sửa pháp lệnh này như thế nào, thưa ông?
Ban cán sự đảng Bộ LĐTBXH trình Ban bí thư đề án hoàn thiện chính sách để xem xét, xác nhận tất cả người có công đều được tôn vinh hưởng chính sách của Nhà nước.
Theo đó, Bộ LĐTBXH sửa đổi chính sách để tất cả người có công đều hưởng chính sách; nâng phụ cấp người có công đảm bảo mức sống bằng cao hươn mức cộng đồng; các nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi hài hòa.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tặng quà cho người có công tỉnh Cà Mau. Ảnh: Bộ LĐTBXH |
Đơn cử có những bất cập như chưa có quy định chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, bị địch bắt tù sau 30/4/1975; Chưa quy định việc giám định vết thương tái phát đối với người bị thương đã giám định, kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 21%; đồng thời cần thiết thực hiện chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa còn sống (trong khi thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên còn sống thì thân nhân vẫn được hưởng bảo hiểm y tế), trợ cấp một lần cho đối tượng hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, vẫn áp dụng mức trợ cấp 120.000 đồng/năm, mức trợ này ít và chậm thay đổi kể từ năm 1995. Trong khi mức trợ cấp của đối tượng khác thì thường xuyên được cải thiện nâng lên…
Do đó, Bộ LĐTBXH tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng phải trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về người có công với cách mạng và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước; Chú trọng việc nghiên cứu một số vấn đề còn tồn tại cần hoàn thiện, bổ sung như tiêu chuẩn xác nhận đối tượng thụ hưởng, phạm vi áp dụng, các biện pháp trợ cấp, chăm lo, giúp đỡ người có công.
Để xây dựng hệ thống pháp luật ưu đãi người có công phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, cần phải được tiến hành từng bước, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; đảm bảo công bằng xã hội.
Để nâng cao đời sống người có công bằng và cao hơn mức sống trung bình trong khu vực, Bộ LĐTBXH có những giải pháp nào trong thời gian tới, thưa ông?
Đảm bảo đời sống người có công từ 3 nguồn: Ngân sách của Nhà nước, huy động của cộng đồng và nỗ lực vươn lên của chính người có công.
Với Nhà nước thì các chính sách về trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công liên tục được điều chỉnh hàng năm để cố gắng cải thiện cuộc sống người có công. Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống người có công bằng hoặc cao hơn điều kiện sống tại địa phương thì có chính sách hỗ trợ khác bởi đằng sau họ là gia đình với các vấn đề về việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, y tế…
Bên cạnh đó, để nâng mức sống người có công cần sự chung sức của cả cộng đồng. Trong những năm qua, phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước, chỉ tính riêng từ năm 2007-2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được trên 46 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.524 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước 133.321 sổ với tổng kinh phí hơn 4.620 tỷ đồng; Xây dựng mới 104.763 nhà tình nghĩa trị giá 3.532 tỷ đồng, sửa chữa 74.906 nhà tình nghĩa trị giá hơn 1.115 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, đã bố trí 11.5 tỷ đồng hỗ trợ trên 410nghìn hộ gia đình chính sách người có công sửa chữa, xây dựng nhà ở mới.
Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng sự chung tay chăm lo của toàn xã hội, các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 96,5% xã, phường được công nhận làm tốt công tác Thương binh - Liệt sỹ, 97% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.
Những kết quả đó mang đậm tính nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ, thể hiện được trách nhiệm, tinh thần "hiếu nghĩa, bác ái" của toàn dân tộc ta đối với những người đã hy sinh, người có công và thân nhân người có công trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc đồng thời đánh dấu những nỗ lực của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội trong thời gian vừa qua đối với công tác này.
Xin trân trọng cám ơn ông!