Năm nay, tình hình an ninh trật tự ổn định, ý thức người dân đi lễ hội tốt hơn, không có hiện tượng chen lấn xô đẩy và giữ gìn vệ sinh chung khá tốt.
Sáng mùng một Tết, thời tiết khu vực Đền Hùng trong lành, tại các nẻo đường đổ về Đền Hùng, từng dòng người nối nhau hướng về núi đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để dâng lễ cầu an, tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước.
Ông Chu Văn Đường ở phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ chia sẻ, đã thành thông lệ, mùng một Tết năm nào, ông cũng cùng gia đình về Đền Hùng để dâng lễ tri ân công đức Tổ tiên và cầu một năm mới an lành. Sau khi dâng hương ở núi Nghĩa Lĩnh, ông và gia đình tiếp tục dâng hương ở Đền Mẫu Âu Cơ trên đỉnh núi Vặn và Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân bên đồi Sim.
Dù là ngày mùng một Tết, nhưng để tạo điều kiện cho nhân dân về lễ được thuận lợi, khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng đã bố trí cán bộ, nhân viên làm việc bình thường.
Ông Lưu Quang Huy nhận định, trong vài ngày tới, lượng du khách về dâng hương sẽ tiếp tục tăng. Vì vậy, rất mong bà con về lễ tại Đền Hùng tiếp tục nâng cao ý thức, không chen lấn, xô đẩy, không hái hoa, bẻ cành và đặc biệt là không xả rác bừa bãi, cùng giữ gìn vệ sinh môi trường nơi đất Tổ linh thiêng.
Đền Hùng được xem là chốn linh thiêng bậc nhất của cả nước. Nơi đây cũng là cội nguồn của dân tộc Việt, là nơi các vua Hùng dựng nước. Người dân từ khắp nơi trên cả nước và rất nhiều Việt Kiều ở nước ngoài, năm nào cũng về đây lễ Đền Hùng. Mọi người đi lễ không chỉ đơn thuần là cầu may, cầu lộc mà còn để du ngoạn, thưởng thức cảnh đẹp sơn thủy hữu tình trong tiết trời mùa Xuân.
Đền Hùng nằm trên ngọn núi Hùng hay còn gọi là núi Nghĩa Lĩnh, thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Trên núi có bốn đền là Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng, có chùa Thiên Quang và lăng vua Hùng thứ Sáu. Hành trình của du khách là lên Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng, lăng vua Hùng và xuống đền Giếng ở chân núi là kết thúc cuộc hành trình.