63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1
Đánh giá về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trong năm học 2021 - 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hoạt động này tiếp tục được các địa phương quan tâm để duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được.
Các lớp học xóa mù chữ được tổ chức linh hoạt về thời gian, địa điểm, phù hợp với tập quán sinh hoạt và tình hình dịch COVID-19 tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên theo học đảm bảo số lượng và chất lượng. Đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, có 44/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt 69,84% (tăng 15,88% so với năm học 2020 - 2021).
Trong đó, năm học 2021 - 2022, có thêm 19 tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Quảng Trị, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Sóc Trăng và Cà Mau. Có 10 tỉnh nâng chuẩn từ xóa mù chữ mức độ 1 lên mức độ 2, gồm: Sơn La, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Kon Tum, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang và Cần Thơ.
Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước vẫn liên tục duy trì và mở mới các lớp xóa mù chữ nhằm huy động người dân tham gia học tập.
Thống kê đến tháng 12/2021, tổng dân số của tỉnh Đắk Nông có độ tuổi từ 15 - 60 tuổi là 464.394 người; trong đó, số người biết chữ là 436.798 người, chiếm 94,06%, cao hơn năm 2020 là 0,94%. Tuy nhiên, tỷ lệ người mù chữ của tỉnh vẫn còn cao so với chỉ tiêu của cả nước. Người mù chữ tập trung chủ yếu ở vùng biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.
Bà Đinh Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong cho biết: Đắk Glong là huyện có tỷ lệ người mù chữ cao nhất tại Đắk Nông. Trong đó, số người mù chữ ở mức độ 1 (chưa hoàn thành lớp 3) là 4.550 người (chiếm tỷ lệ 10%); mù chữ mức độ 2 (chưa hoàn thành lớp 5) là trên 7.100 người. Vì vậy, cuối tháng 8 vừa qua, cùng với xã Đắk Ha, đồng loạt các xã khác của huyện Đắk Glong đã tiến hành khai giảng các lớp học xóa mù chữ. Hơn 580 học viên được tham gia 17 lớp xóa mù chữ trên địa bàn huyện. Đứng lớp là giáo viên tại các trường Tiểu học, Trung học và giảng dạy bằng giáo án soạn riêng cho các học viên có tuổi đời 16 - 65 tuổi.
Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắc Nông cho rằng: Nâng cao hiệu quả các lớp xóa mù chữ được xem là một giải pháp quan trọng góp phần kéo giảm tỷ lệ người mù chữ, tái mù chữ. Thời gian tới, các ngành, địa phương tích cực hơn nữa trong việc quản lý địa bàn dân cư; tuyên truyền người dân hiểu được tầm quan trọng của việc biết chữ để họ học tập, phát triển kiến thức, giao lưu với cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng gia đình hiếu học, cá nhân hiếu học, cộng đồng khuyến học để góp phần xây dựng, giảm tải việc mù chữ trong xã hội…
Tại Hà Giang, các lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cũng liên tục được mở, góp phần quan trọng nâng cao dân trí cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, xa. Các huyện, thành phố thực hiện tốt việc duy trì, củng cố và giữ vững kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục Tiểu học, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. Nhiều huyện đã hỗ trợ ngành Giáo dục thuê dịch vụ nhập liệu phần mềm phổ cập giáo dục như huyện Yên Minh, Hoàng Su Phì và thành phố Hà Giang. Ngoài ra, các huyện còn huy động được kinh phí xã hội hóa để xây dựng trường lớp, trang bị đồ dùng dạy học như huyện Đồng Văn huy động được trên 10,6 tỷ đồng; huyện Hoàng Su Phì huy động được trên 2,8 tỷ đồng.
Sau nhiều năm kiên trì thực hiện mục tiêu xóa mù chữ, công tác xóa mù chữ của tỉnh Hà Giang đã thu được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội. Tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 được công nhận chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt 95,13%; tỷ lệ người độ tuổi từ 15-35 được công nhận chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt 98,16%; tỷ lệ người độ tuổi từ 15-25 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt 99,09%... Toàn tỉnh có 193/193 xã đạt chuẩn xóa mù chữ, trong đó 33 xã đạt chuẩn mức độ 1, 160 xã đạt chuẩn mức độ 2.
Ngăn chặn nguy cơ tái mù chữ
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xóa mù chữ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở những vùng khó khăn còn thấp, kết quả xóa mù chữ không bền vững. Hiện tượng tái mù chữ còn khá lớn bởi nhiều người được xóa mù chữ không học tiếp các lớp bổ túc văn hóa, nhiều người không có điều kiện để sử dụng tiếng Việt thường xuyên nên bị mù chữ trở lại. Số mù chữ và tái mù chữ tập trung chủ yếu ở độ tuổi 36 đến 60 và ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, cách thức tổ chức học, phương pháp dạy xóa mù chữ chưa thực sự phù hợp với đặc điểm tâm lý, văn hóa của người dân tộc thiểu số; chưa có chế độ, chính sách thỏa đáng nhằm huy động người dân tộc thiểu số học xóa mù chữ.
Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, tài liệu dạy học chưa đầy đủ. Một số lớp xóa mù chữ thiếu tài liệu học tập dẫn đến chất lượng chưa cao. Việc mở các lớp xóa mù chữ chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và cấp chung cho công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ hằng năm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030, mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo. Các địa phương từ cấp xã đến cấp tỉnh đều xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức quán triệt, phổ biến, truyền thông nội dung của Đề án dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Trong đó, đối với công tác xoá mù chữ, mục tiêu đến năm 2025, có 99,5% người trong độ tuổi từ 15 - 35, 97,5% người trong độ tuổi từ 36-60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 1; 98% người trong độ tuổi từ 15 - 35, 95% người trong độ tuổi từ 36-60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 2. Ưu tiên xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em gái, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn; phấn đấu tỷ lệ biết chữ cân bằng giữa nam và nữ.
Mục tiêu đến năm 2030, 99,9% người trong độ tuổi từ 15-35, 98,5% người trong độ tuổi từ 36 - 60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 1; 99% người trong độ tuổi từ 15 - 35, 97% người trong độ tuổi từ 36 - 60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.
Để đẩy mạnh công tác xóa mù chữ với kết quả bền vững và có chất lượng, giải pháp được đề ra đó là: Tăng cường điều tra, thống kê chính xác số người mù chữ, người tái mù chữ và cập nhật thông tin về người mù chữ trên Hệ thống thông tin quản lý phổ cập giáo dục, xóa mù chữ bảo đảm đúng quy định pháp luật về kiểm tra công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ.
Việc tổ chức các lớp học xóa mù chữ phải phù hợp với từng nhóm đối tượng người học nhằm nâng cao hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng chính sách thu hút, khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào công tác xóa mù chữ; triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ giáo dục cho người dân tộc thiểu số sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các bên liên quan thí điểm thực hiện chương trình xóa mù chữ chức năng và đánh giá khả năng đọc viết, tính toán toàn diện theo chuẩn quốc tế.
Công tác xóa mù chữ không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục và Đào tạo mà là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở. Việc này nhằm thực hiện một cách có tổ chức, mục tiêu lâu dài, đảm bảo hiệu quả và gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội như xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tổ chức sinh hoạt của nhà văn hóa, câu lạc bộ, phòng đọc sách...
Việc xóa mù chữ không chỉ dừng lại ở kỹ năng đọc, viết mà còn tăng cường cung cấp kiến thức khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, cũng như nhiều lĩnh vực khác trong đời sống để người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có cơ hội hòa nhập và tiếp cận bình đẳng với tri thức, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.