Người dân tuyệt đối không tiêm các loại vaccine phòng COVID-19 trôi nổi, chưa được kiểm định

Trong ngày 10/6, Việt Nam ghi nhận thêm 219 ca mắc mới gồm 8 ca cách ly tại Long An (4 ca), Tây Ninh (2 ca), Kiên Giang (1 ca) và An Giang (1 ca) sau khi nhập cảnh.

Chú thích ảnh
Trạm y tế phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh hướng dẫn người dân khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Công Tường/TTXVN

Trong nước ghi nhận 211 ca ghi nhận trong nước, tại Bắc Giang (98 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (61 ca), Bắc Ninh ( ca), Hà Tĩnh (5 ca), Hà Nội (4 ca), Tiền Giang (2 ca), Lạng Sơn, Hải Dương và Long An mỗi địa phương ghi nhận 1 ca.  Trong số này có 188 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Thông tin từ Bộ Y tế cho thấy: Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 182 ca trong tình trạng tiên lượng nặng; nặng và nguy cơ tử vong. Trong đó, 103 ca tiến triển nặng lên, 76 ca tiên lượng rất nặng và 3 ca tiên lượng tử vong. Cả nước hiện có 9 bệnh nhân đang thở ECMO.

Hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang có 21 ca nguy kịch, hầu hết là bệnh nhân có bệnh nền, được phát hiện mắc COVID-19 trong bệnh viện. Có 7 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, 2 trong số đó đang phải lọc máu liên tục; 2 trường hợp ở Bắc Giang; 1 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

Tính đến 18 giờ ngày 10/6, Việt Nam có tổng cộng 8.165 ca ghi nhận trong nước và 1.619 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 6.595 ca. Có 16 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Trong ngày 10/6, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 61 trường hợp mắc COVID-19, đáng chú ý là sự xuất hiện của một chuỗi lây nhiễm mới với 28 ca mắc liên quan đến môtj công ty cơ khí ở huyện Hóc Môn và một khách sạn tại quận Tân Bình. Các bệnh nhân trong chuỗi lây nhiễm này ngụ tại huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh và quận Tân Bình.

Ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã điều tra, truy vết, thực hiện cách ly tập trung đối với các trường hợp F1, F2, lấy mẫu xét nghiệm; phong tỏa nơi cư trú, làm việc của các bệnh nhân, mở rộng xét nghiệm tầm soát các hộ gia đình nơi phong tỏa.

Tự túc được nguồn vaccine phòng COVID-19 là quan trọng

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, động viên các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ tại Phòng miễn dịch (Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chiều 10/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới thăm, làm việc tại Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng). Đây là đơn vị được Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tín nhiệm thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax, đã triển khai giai đoạn 1, 2, đang sang giai đoạn 3.

Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề rằng trong giai đoạn hiện nay thế giới khan hiếm vaccine phòng COVID-19 nên trước mắt và lâu dài, tự túc được nguồn vaccine phòng COVID-19 là hết sức quan trọng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Học viện Quân y phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị để khẩn trương đẩy nhanh thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine Nanocovax; phấn đấu có kết quả sớm để có vaccine trong phòng dịch cho cộng đồng.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng trong nghiên cứu, sản xuất vaccine đại trà cần giảm thiểu tác dụng phụ tốt nhất, đặc biệt là đối với người có bệnh nền và thể trạng yếu; có khả năng đề kháng và thích ứng với các biến thể mới của SARS-CoV-2.

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 10/6, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam xác định mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn dịch cộng đồng, coi đây là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định, có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch COVID-19. Để thực hiện mục tiêu này, mới đây, Quốc hội quyết định sử dụng khoảng 12.000 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vaccine phòng COVID-19.

Ngay sau khi thành lập và chính thức phát động, Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại nhiều nước như Hoa Kỳ, Ai Cập, Mozambique, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Lào, Đức, Nga, Thụy Sỹ…

Cảnh báo lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Chú thích ảnh
 Chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Theo Bộ Y tế, hiện nay, xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua/nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng… Một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vaccine của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa. Người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 thông qua những hình thức quảng bá khác nhau.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) để tránh nguy cơ lừa đảo, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, hạn chế thông qua các bên trung gian. Trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Người dân chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép; tuyệt đối không tiêm chủng những loại vaccine phòng COVID-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.

Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.

TTXVN/Báo Tin tức
Những đối tượng được thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo chế độ BHYT
Những đối tượng được thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo chế độ BHYT

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có công văn hướng dẫn những đối tượng và mức thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo chế độ bảo hiểm y tế (BHYT). Người tham gia đối chiếu để bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh trong đại dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN