Người di cư nội địa chiếm tới 13,6% tổng dân số

Tại hội nghị công bố kết quả điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015, kết quả cho thấy Việt Nam có tới 13,6% tổng dân số là người di cư chỉ tính trong 5 năm gần đây. Trong nhóm tuổi 15-59, tỷ lệ người di cư là 17,3%, trong đó có đến 19,7% người di cư là dân khu vực thành thị, 13,4% là dân khu vực nông thôn. Vùng Đông Nam Bộ là nơi có tỷ lệ di cư cao nhất nước chiếm 29,3%.

Hội nghị do Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 16/12, tại Hà Nội.

Phục vụ xây dựng chính sách kinh tế-xã hội

Người di cư tự do ồ ạt tràn đến phá rừng Mường Nhé. Ảnh TTXVN


Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, đây là cuộc điều tra di cư nội địa quốc gia lần thứ hai, sau cuộc điều tra năm 2004. Cuộc điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015 nhằm thu thập thông tin về di cư nội địa ở cấp quốc gia, cấp vùng kinh tế -xã hội ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để phục vụ xây dựng chính sách phát triển kinh tế-xã hội và chính sách đối với người di cư, đồng thời cung cấp thông tin cho các nghiên cứu chuyên sâu về di cư nội địa ở Việt Nam.

Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc, bà Astrid Bant cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cùng với sự phát triển của giao thông, truyền thông, càng ngày càng có thêm nhiều người mong muốn và có khả năng di cư đến nơi ở mới. Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách liên quan đến vấn đề di cư, hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của người di cư.

Theo bà Astrid Bant, Việt Nam đang chứng kiến việc giảm sinh nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, di cư nội địa trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình biến động dân số ở Việt Nam. Vì thế vấn đề di cư cần được tính đến trong tất cả các chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội ở các cấp. Điều này có ý nghĩa khi Việt Nam đang tiến hành triển khai Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì mục tiêu phát triển bền vững. 

Kết quả điều tra này cung cấp bằng chứng giúp mọi người hiểu hơn về tác động tích cực và thách thức của di cư nội địa ở Việt Nam. Từ đó giúp xác định những thay đổi cần thiết trong chính sách và thực tế giúp người di cư có thêm nhiều lựa chọn, đặc biệt là những người di cư nghèo và dễ bị tổn thương, để xã hội đều được hưởng lợi từ quá trình di cư vì lý do kinh tế và tự nguyện. Ở Việt Nam, kết quả di cư nội tỉnh và giữa các tỉnh đang gia tăng nhanh chóng, có mối liên hệ chặt chẽ giữa di cư và phát triển, đặc biệt trong cải thiện đời sống kinh tế, môi trường bình đẳng, sức khỏe sinh sản và những rủi ro khác... Những kết quả này cần được sử dụng trong việc tư vấn, hoạch định chính sách và phát triển dựa trên những bằng chứng ở cấp trung ương và địa phương.

Bà Astrid Bant khẳng định, Quỹ Dân số Liên hợp quốc và các tổ chức Liên hợp quốc khác sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc xử lý những vấn đề di cư nội địa, thực hiện những phân tích chuyên sâu, thu thập những số liệu điều tra và phổ biến những kết quả này tới các cơ quan chính phủ, nhà hoạch định chính sách...

Lặp lại hiện tượng “nữ hóa” di cư

Điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015 là cuộc điều tra mẫu và nghiên cứu định tính được thực hiện trên phạm vi 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội và 2 TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Theo số liệu mới hiện có, ở độ tuổi từ 15-59 nữ di cư chiếm tỷ lệ 17,7% so với tổng dân số nữ và nam chiếm tỷ lệ 16,8% so với tổng dân số nam trong độ tuổi này. Xét trong tổng số người di cư độ tuổi 15-59 thì nữ chiếm tỷ trọng 52,4% và nam chiếm tỷ trọng 47,6%. Kết quả này một lần nữa khẳng định nhận định về hiện tượng “nữ hóa” di cư đã được nhắc đến trong cuộc điều tra di cư Việt Nam 2004 và các cuộc điều tra khác.

Tuổi của người di cư năm 2015, phần lớn tập trung vào nhóm trẻ (15-39 tuổi) chiếm tỷ trọng 84% so với tổng số người di cư. Nếu so với năm 2004 thì con số này cao hơn rất nhiều (điều tra năm 2004 là 79%).

Số liệu cũng cho thấy tỷ lệ người di cư có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn người không di cư (31,7% so với 24,5%). Đặc biệt tỷ lệ phần trăm người di cư có trình độ cao đẳng, đại học hoặc trên đại học là 23,1%, trong khi tỷ lệ này ở người không di cư là 17,4%. Sự khác biệt này một phần do tác động của cơ cấu tuổi trẻ hơn của nhóm di cư so với nhóm không di cư. Trong thực tế nhiều người trẻ đã di cư tới thành thị nơi có nhiều cơ sở đào tạo để tiếp tục học ở các bậc học cao hơn.

Đa số người di cư và người không di cư trong nhóm tuổi 15-59 đang làm việc, tỷ lệ này đối với người di cư là 74,8% và người không di cư là 78,2%; đặc biệt đối với người di cư ở nhóm tuổi 25-49 chiếm khoảng 90%. Đông Nam Bộ là nơi có tỷ trọng người di cư đang làm việc (87,8%) cao nhất cả nước, tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng (81,0%), đây là hai khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp và thu hút một lượng lớn lao động nhập cư đến làm việc. Kết quả điều tra cho thấy đa số người di cư có việc làm ở nơi đến và như vậy họ không góp phần làm tăng tỷ lệ thất nghiệp tại điểm đến. Phần lớn những người di cư không có việc làm là những người di cư vì lý do học tập.

Trong tất cả những khó khăn gặp phải thì khó khăn về chỗ ở được đề cập đến nhiều nhất; có tới 42,6% số người di cư cho biết họ gặp khó khăn về chỗ ở, người di cư thường nhận sự giúp đỡ từ gia đình, họ hàng, bạn bè, ít người nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương, từ cơ quan và đoàn thể nơi đến.

Trên 30% số người di cư đã gửi tiền về cho gia đình trong 12 tháng trước thời điểm điều tra, trong đó tỷ lệ nữ di cư có gửi tiền cao hơn một chút so với nam di cư (30,8% nữ di cư so với 29,2% nam). Mặc dù tỷ lệ phụ nữ di cư gửi tiền về nhiều hơn so với số nam di cư, nhưng tổng số tiền gửi của nam di cư lại nhiều hơn nữ di cư; có tới 41,5% nam di cư có gửi tiền, hiện vật từ 6 triệu đồng trở lên về gia đình trong khi đó tỷ lệ này của nữ chỉ là 34,7%. Điều này có thể do thu nhập của nam di cư cao hơn so với nữ di cư. Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng, TP Hồ Chí Minh là nơi có tỷ lệ gửi tiền về cao nhất.
Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Chất lượng cuộc sống tốt hơn cho lao động di cư
Chất lượng cuộc sống tốt hơn cho lao động di cư

Ngày 9/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) và Tổ chức lao động thế giới (ILO) đã tổ chức cuộc họp quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn lao động di cư ASEAN lần thứ 9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN