Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đại biểu kiều bào và các chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp trong nước tham dự Chương trình.
Kiều bào chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, qua 3 lần tổ chức (năm 2009, 2012, 2016), Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đã tạo diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và các nội dung liên quan tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thực sự trở thành “Hội nghị Diên Hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài.
Những ý kiến quý báu, nhiều kiến nghị chính sách của kiều bào đã được các cơ quan chức năng trong nước tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển hóa thành các chính sách, quy định pháp luật. Minh chứng rõ ràng là hàng loạt những chính sách mới trong các lĩnh vực như căn cước, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hướng tới bảo đảm quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài tương đương người dân trong nước.
Bộ Ngoại giao cũng phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như chương trình Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào dự Giỗ Tổ Hùng vương, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè Việt Nam, Ngày Tôn vinh tiếng Việt…, đưa các thế hệ người Việt xa quê trở về Tổ quốc, góp phần vun đắp tình cảm với quê hương, từ đó thổi bùng khát khao được cống hiến và chung tay góp sức cho sự phát triển của đất nước.
Khái quát về sự phát triển lớn mạnh về số lượng, vị thế và vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm qua, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Tiêu biểu, trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ. Tính đến hết năm 2023, người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
“Đó là những con số có thể định lượng, bên cạnh đó còn rất nhiều đóng góp về chất xám, trí tuệ không thể cân đong đo đếm”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu.
Với sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và mọi người dân, trong đó có đồng bào ta ở nước ngoài, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, năm 2024 đánh dấu chặng đường 20 năm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, đây là dịp để chúng ta cùng rút ra kinh nghiệm, bài học quý báu để đưa công tác người Việt Nam ở nước ngoài lên một tầm cao mới, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của bà con.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 diễn ra trong bối cảnh cả dân tộc ta đang nỗ lực và tăng tốc nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của cộng đồng hơn 6 triệu người Việt Nam ta ở nước ngoài.
Chính vì vậy, Hội nghị năm nay lựa chọn chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước” với nhiều điểm mới và kỳ vọng. Lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức "Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài". Đây là chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand tháng 3/2024, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Diễn đàn là cơ hội để các chuyên gia, trí thức kiều bào trao đổi về những xu thế phát triển trên thế giới và khu vực; hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước; mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo…
Thông tin về 4 phiên họp chuyên đề, hoạt động bên lề Hội nghị, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 4, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, điểm đặc biệt là lần đầu tiên một số hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tham gia với các cơ quan trong nước trong chủ trì, điều hành một số phiên chuyên đề về lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Điều này thể hiện vai trò chủ động, tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách mà còn là chủ thể triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kỳ vọng, Hội nghị lần thứ 4 sẽ là một “Hội nghị Diên Hồng”, tập trung trí tuệ tập thể, tăng cường đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của đất nước để đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”.
Mang đến những sáng kiến mới
Bày tỏ những nguyện vọng, kiến nghị của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, trân trọng tình cảm, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ban ngành và địa phương, nhân dân trong nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ông tin tưởng, tự hào trước sự phát triển và vị thế ngày càng tăng của đất nước và mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển đất nước.
Ông Hoàng Đình Thắng đề xuất, Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; cần có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào ta được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai. Đồng thời, đề xuất cân nhắc điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được quyền tham gia ứng cử, bầu cử vào Quốc hội; mở rộng việc cho phép các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trở thành thành viên các tổ chức chính trị - xã hội trong nước…
Về hỗ trợ cộng đồng, ông Hoàng Đình Thắng đề nghị, thông qua tiếp xúc cấp cao và kênh ngoại giao, cần thúc đẩy một số quốc gia công nhận cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ở một số địa bàn có đủ điều kiện là dân tộc thiểu số; thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước, tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài và công tác đào tạo tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi ra nước ngoài.
Bên cạnh đó là xây dựng hiệu quả cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của người Việt Nam ở nước ngoài, cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, nhanh gọn và minh bạch; tăng cường tổ chức kết nối chuyên gia, trí thức kiều bào; quan tâm, hỗ trợ giữ gìn văn hóa Việt và tiếng Việt; tổ chức thêm các sự kiện văn hóa, văn nghệ ở nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam...
Về nguồn lực triển khai công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, kiều bào Hoàng Đình Thắng mong muốn, Đảng và Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm sâu sắc tới cộng đồng và tiếp tục chú trọng công tác này thông qua việc tăng cường các nguồn lực tương xứng để triển khai công tác.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cũng cho rằng, thời gian qua, với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện và ban hành các chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ. Nhờ đó môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, tạo các cơ chế thuận lợi, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn là sự trở về của tri thức, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Nhấn mạnh việc thu hút nhân tài, nhất là thế hệ trẻ từ cộng đồng kiều bào, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất, Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.
Để có thể phát huy khả năng của các kiều bào trẻ, tranh thủ những công nghệ mới, kiều bào Philippines đề nghị Chính phủ nên áp dụng cơ chế sandbox (cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép). Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các kiều bào trẻ có quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước…
Về hoàn thiện môi trường đầu tư, kiều bào Philippines cho rằng, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, nhưng cần tăng cường tính minh bạch, đơn giản hóa thủ tục; cần xem xét cơ chế một cửa dành cho kiều bào, nơi có thể cung cấp thông tin, tư vấn và giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư.
Đối với chiến lược phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề nghị cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển AI, bán dẫn, thúc đẩy các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các vườn ươm công nghệ; có chính sách khuyến khích kiều bào tham gia phát triển du lịch và đầu tư bán lẻ du lịch...
Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra buổi Trưng bày ảnh về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và kiều bào với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cùng với đó là các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm.