Kết quả kiểm định trên các sản phẩm giá đỗ, rau mầm; hoa quả nhập khẩu, các cơ sở giết mổ gia súc vi phạm an toàn thực phẩm thời gian qua vẫn đang gây lo ngại cho tâm lý người tiêu dùng trên cả nước. Trong cuộc họp về vấn đề này ngày 17/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát yêu cầu các đơn vị khẩn trương chấn chỉnh lại đội ngũ thi hành công vụ, xác định lại vùng trọng tâm, trọng điểm những loại rau có nguy cơ cao để tập trung xử lý hiệu quả.
Nguy cơ từ giá đỗ, rau mầm
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho biết, mới đây Cục đã tiến hành lấy 50 mẫu giá đỗ tại các chợ ở Hà Nội để kiểm tra về Arsen (kim loại nặng) và ô nhiễm vi sinh vật. Kết quả cho thấy các mẫu đều an toàn đối với chỉ tiêu Arsen. Tuy nhiên chỉ tiêu về vi sinh vật thì đáng quan ngại khi có tới 40% mẫu nhiễm E.Coli, Salmonella, Listeria cao hơn giới hạn cho phép đối với vi sinh vật trong rau ăn sống.
Theo ông Hồng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ nhiễm vi sinh vật cao trong giá đỗ, rau mầm. Nó có thể từ khâu xử lý hạt giống, hạt ở ngoài ruộng hoặc bỏ đất phơi, không rửa sạch, nguồn nước bẩn hoặc bản thân người sản xuất, người bán cũng không đảm bảo vệ sinh…
Gía đỗ nằm trong danh sách những thực phẩm vi phạm an toàn thực phẩm. Ảnh minh hoạ |
Hiện Cục mới chỉ tiến hành lấy mẫu tại các chợ bởi người tiêu dùng mua ở chợ chứ không phải mua tại các cơ sở sản xuất. Ông Hồng cho biết thêm, từ năm 1996 đến nay có tới 46 trường hợp trên thế giới bị ngộ độc có liên quan tới vi sinh vật, ảnh hưởng tới sức khỏe. “Từ trước tới nay chúng ta chỉ quan tâm tới rau sản xuất ngoài đồng với số dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chứ ít quan tâm tới vấn đề vi sinh vật trong giá đỗ, rau mầm. Đây là loại rau phổ biến nhưng cũng có nguy cơ rất cao vì dễ là nguồn cho vi sinh vật phát sinh”, ông Hồng nói.
Ông Nguyễn Xuân Hồng khuyến cáo, tốt nhất là nấu chín thì sẽ tiêu diệt được, còn không nên ăn sống giá đỗ, rau sống, việc rửa nước muối cũng chỉ hạn chế chứ không diệt được vi sinh vật.
Đối với kiểm soát an toàn thực phẩm nguồn gốc thực vật nhập khẩu, kết quả từ ngày 10/8 – 10/9/2012 phát hiện 4 mẫu vi phạm qua cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai đối với nho, mận tươi và lựu. Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục kiểm tra chặt và tăng tần suất lấy mẫu kiểm nghiệm, nhất là các mẫu nho tươi nhập khẩu từ Trung Quốc, tiếp đến là khoai tây và một số sản phẩm đã vi phạm từ trước.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện những chất hay vi phạm, nguy cơ cao cũng đã xác định được để tập trung kiểm tra, kết hợp xét nghiệm nhanh ngay tại cửa khẩu và xét nghiệm định lượng tại các trung tâm nên kết quả chính xác.
Hệ thống lại truy xuất nguồn gốc
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, qua điều tra dư lượng thuốc trên rau Việt Nam ở mức 8-10% tuy là mức trung bình so với khu vực và thế giới nhưng vẫn còn là cao nên phải xác định vùng trọng điểm vi phạm để kiểm tra, loại rau nào, thuốc nào để có thể chỉ đạo thực hiện.
Bên cạnh đó, cần hệ thống truy xuất nguồn gốc để làm rõ cho người dân biết vì rau an toàn hiện có xác nhận nhưng không phân biệt được trên thị trường và khó bán trong khi chi phí cao hơn. “Người dân có thể trả giá cao nếu biết rõ nguồn gốc và thực sự tin tưởng. Có thể đề nghị hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất rau an toàn trong việc chứng nhận đối với các cơ sở uy tín”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng hồ sơ nguy cơ an toàn thực phẩm (xác định nguy cơ, rủi ro ở công đoạn nào, biện pháp phòng ngừa, kiểm soát…) theo chuỗi sản xuất kinh doanh một số sản phẩm nông sản chủ lực. Các đơn vị rút kinh nghiệm từ thực tế để có cơ chế mở rộng truy xuất nguồn gốc, có thể áp dụng mã vạch trong sản xuất rau an toàn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đồng ý với kiến nghị để Cục Trồng trọt phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đối với sản xuất giá đỗ, rau mầm, đồng thời giao cho Vụ Khoa học công nghệ bố trí kinh phí để làm ngay.
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương có thể xây dựng mạng lưới tình nguyện viên trong việc tuyên truyền, phát hiện, cung cấp thông tin đối với các vấn đề liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ trưởng cho rằng, việc kiểm tra đối với lực lượng thi hành công vụ cũng là hết sức cần thiết, bởi trong công tác thú y, bảo vệ thực vật dù có hàng nghìn cán bộ hoạt động nhưng nhiều nơi còn thi hành nhiệm vụ chưa tốt nên vẫn có các sự việc “lọt lưới”.
Với vấn đề kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị tiếp tục thực hiện quyết liệt và yêu cầu áp dụng đúng theo thông lệ quốc tế, có nhắc nhở cảnh báo đối với sản phẩm vi phạm. Theo đó, sau 3 lần vi phạm sẽ cấm nhập khẩu.
Hoàng Tùng