Nguyên Thủ tướng Italy thuyết trình tại Hà Nội

Ngày 18/3, tại Học viện Ngoại giao (Hà Nội), nguyên Thủ tướng Italy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Chủ tịch Ủy ban gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Liên minh Châu Phi, Giáo sư Romano Prodi đã có buổi thuyết trình với chủ đề “Chính trị và Hoà bình - Hợp tác trên bình diện toàn cầu trong kỷ nguyên toàn cầu hóa”, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Nhịp cầu đối thoại hướng đến một nền văn hoá hoà bình”, do Quỹ Hoà bình Quốc tế tổ chức. Tham dự buổi thuyết trình có đại diện Quỹ Hòa bình Quốc tế, đại diện các Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội, các trường Đại học, viện nghiên cứu, cán bộ và 250 sinh viên Học viện Ngoại giao. 


Giáo sư Romano Prodi trả lời những câu hỏi của sinh viên Học viện Ngoại giao. Ảnh: Lâm Khánh-TTXVN.



Tại buổi thuyết trình, Giáo sư Romano Prodi cho rằng thế kỷ XXI đang chứng kiến nhiều thay đổi lớn lao cả về chính trị và kinh tế. Nếu như 20 năm trước, có học giả tuyên bố về “sự cáo chung của lịch sử” vì lúc đó sức mạnh của nước Mỹ quá vượt trội, thì bây giờ chúng ta lại chứng kiến “sự bắt đầu của lịch sử”. Việc nước Mỹ tham gia vào cuộc chiến Iraq cũng như nhiều cuộc xung đột khác trên khắp thế giới đã làm suy giảm đáng kể sức mạnh của nước này. Trong khi đó, Châu Á đang trỗi dậy mạnh mẽ cả về kinh tế và chính trị, không chỉ là Trung Quốc mà cả ở Ấn Độ cũng như nhiều nước Châu Á khác. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của các nước Châu Á đạt khoảng 7,5% trong những năm gần đây, trong khi Mỹ chỉ được 2% còn Châu Âu chỉ hơn 0%. Các nước BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi) hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng là các trung tâm kinh tế mới nổi, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế toàn cầu. Rõ ràng là thế giới đang chuyển từ cục diện đơn cực sang cục diện đa cực.


Ngoài ra, không chỉ Châu Á đang trỗi dậy mà Châu Phi với hơn 2 tỷ người, cơ cấu dân số trẻ, cũng đang có những thay đổi đầy ấn tượng. Châu lục này ngày càng thu hút sự chú ý của các cường quốc, trong đó Trung Quốc là cường quốc duy nhất có một chính sách châu lục toàn diện đối với Châu Phi. Trong khi các cường quốc khác như Mỹ dính líu vào nhiều cuộc xung đột vũ trang trên khắp thế giới thì Trung Quốc lại tránh tham gia vào các cuộc xung đột đó, thay vào đó Trung Quốc đầu tư sức người sức của vào Châu Phi trong hàng chục năm nay.


Cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây là cuộc khủng hoảng dài nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nó đã mang lại nhiều tác động tiêu cực cho người dân thế giới, đó là bất công xã hội và khoảng cách thu nhập ngày càng trầm trọng. Những vấn đề này không chỉ tồn tại ở các nước phương Tây như Mỹ, Châu Âu mà xuất hiện cả ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ. Khoảng cách thu nhập ngày một rộng và thu nhập trung bình của người dân ngày một thấp đã khiến cho chất lượng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế không cao. Các nền kinh tế cũng rơi vào vòng luẩn quẩn khi họ muốn thực hiện chính sách kích cầu trong khi thu nhập của các gia đình lại sụt giảm.


Tuy nhiên, Giáo sư Prodi vẫn khẳng định vai trò quan trọng của EU trong nền kinh tế chính trị thế giới. EU hiện vẫn là trung tâm sản xuất, thị trường xuất khẩu lớn của các nước, đã vượt qua một chặng đường dài và khó để đạt được thoả thuận chung về tiền tệ. Giáo sư Prodi khẳng định, mặc dù Châu Âu đang trong khủng hoảng nhưng vẫn là trung tâm tài chính kinh tế chủ đạo của nền thế giới.


Những năm vừa qua, thế giới cũng chứng kiến nhiều thay đổi lớn lao trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ mới. Việc sử dụng khí đá phiến (shale gas) có thể khiến nhiều nước tự cung tự cấp được về mặt năng lượng, đặc biệt là Mỹ. Điều này có thể dẫn đến một hệ quả là các nước lớn có thể không cần năng lượng dầu lửa ở Trung Đông nữa. Và như vậy, sẽ dẫn đến thay đổi trong mục tiêu chính sách của các cường quốc cũng như trạng thái cân bằng giữa các khu vực trên thế giới.


Chứng kiến những thay đổi to lớn trên thế giới và sự chuyển dịch cục diện thế giới theo hướng đa cực hóa, hơn lúc nào hết chúng ta cần một hệ thống quản trị bao trùm. Hiện nay, ngay cả những cơ chế như G20 cũng chưa thể đóng vai trò một hệ thống bao trùm như vậy. Do đó, cần dựa vào trí tuệ của chúng ta để gây dựng những hệ thống như vậy, để xử lý những vấn đề đang nổi lên từ Trung Đông đến Thái Bình Dương. Mặc dù có những xung đột và sự khác biệt về lợi ích, nhưng xu hướng chung của các nước là hướng tới một sự đồng thuận với nhau về các vấn đề chung, ví dụ như làm thế nào để kiểm soát khủng bố, ngăn chặn bạo loạn, thiên tai, dịch bệnh… Trong thế giới đang biến đổi phức tạp này, nhiều khi chúng ta phải có thiện chí, thương lượng và thỏa thuận với nhau để dẫn dắt thế giới theo hướng hòa bình và hợp tác.


Thanh Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN