Nhà nước “cầm lái” chứ không “chèo thuyền”

Hôm qua (24/11), trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô (Dự án GTZ), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) đã tổ chức diễn đàn “Tái cơ cấu và đổi mới thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước hướng tới mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu”. Hội thảo tập trung vào việc cơ cấu lại các DNNN, tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước và đổi mới thể chế quản lý DNNN nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh của DNNN.

Đến đầu tháng 11/2010, Công ty Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 1 vận hành hòa lưới điện quốc gia gần 3 tỷ kWh, vượt 17% kế hoạch năm. Sau gần 3 năm vận hành, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 (Đồng Nai) đã cung cấp hơn 5 tỷ kWh. Trong ảnh: Kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng tại nhà máy. Ảnh: Hà Thái - TTXVN


Nói về những thành công và thất bại của các nước khác trong việc quản lý các tập đoàn nhà nước, PGS.TS Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, ở Nga, tập đoàn sản xuất ô tô “La Da” sản xuất khép kín từ đầu tới cuối khiến cho việc đổi mới, thu hút vốn bên ngoài vào gặp nhiều khó khăn. Do vậy, sản phẩm của họ sau nhiều năm vẫn không thay đổi.

“Năm 1975, Tổng thống Hàn Quốc ban bố luật “Xúc tiến đầu tư”, trong đó cấm DN lớn làm chi tiết nhỏ. Luật này đã tác động mạnh tới nền công nghiệp Hàn Quốc, các doanh nghiệp nhỏ nhanh chóng thu hút vốn đầu tư từ xã hội. Sau 3 năm, Hàn Quốc đã vươn lên thành một trong những cường quốc công nghiệp. Do vậy, việc tạo ra hành lang pháp lý để các doanh nghiệp hoạt động là rất quan trọng”, ông Tuất nói.

Theo các đại biểu, để tái cơ cấu lại doanh nghiệp thì phải tạo ra một hành lang pháp lý rộng rãi để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh. Các cơ quan quản lý nhà nước chủ động trong quy hoạch, chiến lược phát triển. Khi có hành lang pháp lý mà doanh nghiệp nào làm ăn không hiệu quả thì sẽ bị cơ quan quản lý “tuýt còi”.

“Nhiều nước ở châu Á sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã ban hành hệ thống chuẩn trị theo OECD (được Diễn đàn ổn định tài chính thế giới; Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO) công nhận là quy tắc chung đối với các quốc gia và công ty). Inđônêxia thành lập “Ủy ban quốc gia về quản trị của Inđônêxia” (gọi tắt KNRG) năm 2004; Hàn Quốc thành lập “Cơ quan quản trị công ty Hàn Quốc” (KCGS) vào tháng 6/2006; Thái Lan thành lập Ủy ban quốc gia về quản trị công ty (NCGC) năm 2002 bám sát các chuẩn trị của OECD...”, PGS.TS Phan Đăng Tuất nói.

Theo ông Tuất, từ các kinh nghiệm đó, có lẽ đã đến lúc cần nghĩ đến việc ban bố và thực thi “hệ thống chuẩn trị DN của Việt Nam”. Đây sẽ là bước tái cấu trúc thể chế quan trọng để Việt Nam hội nhập vào hệ thống quản trị DN văn minh quốc tế.

Theo các đại biểu, nếu chúng ta có một hệ thống cơ chế, chính sách lành mạnh, rõ ràng đối với các DNNN, với sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, thì sẽ giảm thiểu thất thoát tài sản của Nhà nước, đồng thời giúp các doanh nghiệp này vươn lên thành những “quả đấm thép” của nền kinh tế.

H.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN