Sự tham gia của người dân là cơ sở bảo đảm sự thành công của Chương trình
Tại hội trường, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết đầu tư Chương trình và cho rằng, việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn. Việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về văn hóa, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Về một số vấn đề chung, quan điểm, nguyên tắc chung cần lưu ý khi xây dựng và triển khai Chương trình, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) nhấn mạnh, Chương trình có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Để tránh chồng chéo, trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nội dung, nguồn vốn thực hiện, bảo đảm tính khả thi, đại biểu cho rằng cần làm rõ và thống nhất quan điểm, nguyên tắc xây dựng Chương trình.
Chương trình mục tiêu quốc gia là chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách về phát triển văn hóa, không thay thế toàn bộ các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển văn hoá. Từ đó phân định rõ các nội dung, nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển văn hóa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chi thường xuyên và nội dung, nhiệm vụ chi của Chương trình. Đánh giá toàn diện về hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa trong tương quan với đầu tư của toàn xã hội để xác định các nội dung cần tập trung đầu tư từ Chương trình.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình cần phải được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước, nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa, trong đó chú ý: các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong bảo tồn, phát triển văn hóa, phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; các nhiệm vụ mà Nhà nước cần đầu tư để dẫn dắt, định hướng, chi phối, tạo ra nền tảng để thu hút toàn xã hội tham gia phát triển văn hóa; nhiệm vụ về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… trong lĩnh vực văn hóa; hỗ trợ các khu vực có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn.
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), mục tiêu Chương trình hướng đến nhiều người dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức thiết chế văn hóa trên phạm vi không gian rộng lớn. Do đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, sự tham gia của người dân và cộng đồng dân cư là cơ sở bảo đảm sự thành công của Chương trình nói riêng cũng như sự nghiệp văn hóa nói chung, với tư cách người dân là chủ thể sáng tạo, làm nên văn hóa và cũng là người thụ hưởng giá trị văn hóa mang lại.
Do đó, đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích sự tham gia của đông đảo người dân, cộng đồng dân cư vào hoạt động văn hóa, sáng tạo văn hóa, thực hành văn hóa, lan tỏa, lưu truyền và phát triển giá trị văn hóa. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong sự nghiệp phát triển văn hóa.
"Nếu nhân dân là chủ thể sáng tạo nên văn hóa thì cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức kinh tế là bệ đỡ, kiến tạo cho những sản phẩm văn hóa được thăng hoa. Tuy nhiên, vị trí, vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế chưa được khẳng định rõ nét trong Chương trình" - đại biểu nhấn mạnh.
Từ đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị, cần thiết kế chính sách rõ nét hơn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Điều này không chỉ tăng cường nguồn lực xã hội cho hoạt động văn hóa mà còn tạo ra sự gắn kết giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế. Kinh tế phát triển nhất thiết phải có văn hóa, văn hóa phát triển nhất thiết phải có nguồn lực kinh tế hỗ trợ.
Nâng cao nhận thức của xã hội
Tham gia đóng góp ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, cần nghiên cứu để bổ sung vào Chương trình mục tiêu quốc gia một số chương trình khuyến đọc hiệu quả, nghiên cứu xây dựng thể chế về khuyến khích văn hoá đọc; đồng thời đề nghị nghiên cứu bổ sung giải pháp khuyến khích sự tham gia của người dân và nâng cao nhận thức của xã hội về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Về mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu, cổ vật, bảo vật quốc gia, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhận thấy các di sản tư liệu, cổ vật, bảo vật quốc gia là sự kết tinh của văn hoá dân tộc, có giá trị rất to lớn đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến việc có nhiều cổ vật, di sản tư liệu trong nước được đưa trái phép ra nước ngoài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản là chúng ta chưa có các chương trình hiệu quả để huy động sự tham gia của người dân vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của cổ vật; trong đó có việc nhiều người dân chưa hiểu được thấu đáo giá trị của những tư liệu, cổ vật mà họ đang sở hữu.
Vì vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung giải pháp khuyến khích sự tham gia của người dân và nâng cao nhận thức của xã hội về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu, cổ vật, bảo vật quốc gia. Trong đó có thể nghiên cứu để thiết kế Chương trình để Nhà nước để ghi nhận và đánh giá các di sản tư liệu, cổ vật do người dân đang sở hữu.
Ở một số nước có những chương trình tương tự đang rất thành công như Chương trình Khám phá Cổ vật ở Trung Quốc hoặc Chương trình Đường dây Cổ vật ở Anh, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác. Trong chương trình này, những cổ vật của người dân được đánh giá một cách miễn phí về giá trị vật chất và giá trị văn hoá để họ hiểu hơn về những cổ vật mình đang sở hữu, còn cơ quan nhà nước có được thông tin về các cổ vật này. Chương trình có sự tham gia của các cơ quan truyền thông nên vừa góp phần chia sẻ, giảm thiểu ngân sách nhà nước, vừa giáo dục cho công chúng về giá trị văn hoá của các cổ vật. Theo đại biểu, đây là những kinh nghiệm quý giá mà Ban soạn thảo cần nghiên cứu để hoàn thiện hơn các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này.
Về mục tiêu phát triển văn hoá đọc, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhất trí với việc xem phát triển văn hoá đọc là một trong những mục tiêu quan trọng. Lịch sử của nhiều quốc gia đã cho thấy rõ vai trò của văn hoá đọc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia nói chung và phát triển văn hoá của dân tộc đó nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh khối lượng kiến thức được bổ sung rất lớn và nhanh chóng như hiện nay thì văn hoá đọc là cơ sở để người dân có thể tự bổ sung kiến thức, thực hiện mục tiêu học tập suốt đời.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhận thấy các giải pháp phát triển văn hoá đọc trong dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu mới thiên về điều kiện cần, tức là điều kiện về khả năng tiếp cận với sách của người dân thông qua hệ thống thư viện. Thực tế đã cho thấy, việc phát triển hệ thống thư viện không phải lúc nào cũng đi kèm với sự phát triển văn hoá đọc. Vì vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, để phát triển văn hoá đọc thì không chỉ cần phát triển hệ thống thư viện mà cần có những chương trình khuyến đọc hiệu quả, khuyến khích văn hoá đọc sách của từng cá nhân, từng gia đình, từng cộng đồng.