Sự kiện do Công an tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an (Bộ Công an) tổ chức.
Bà Hà Thị Nga, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang khẳng định, việc tổ chức hội thảo khoa học này là hết sức cần thiết, kịp thời và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Đây là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đánh giá, trao đổi, giúp nhận diện đầy đủ về tình hình, xu hướng chuyển dịch của tội phạm trên không gian mạng.
Qua đó, có giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Đây cũng là cơ hội để Tuyên Quang học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm quý báu trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, bao gồm tội phạm trên không gian mạng, từ đó xác định nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn thông tin, thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Tỉnh tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền tới mọi đối tượng.
Công an tỉnh tiếp tục phát huy vai trò chủ công, nòng cốt trong nhận diện, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đồng thời chủ động nắm tình hình, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng; bố trí nhân lực, tài chính phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương.
Đại tá Hoàng Tâm Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong điều tra cơ bản các hội, nhóm, tài khoản trên không gian mạng. Đồng thời, đánh giá hiệu quả việc triển khai công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng và đề ra giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiệp vụ công tác trinh sát, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên không gian mạng thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng chỉ rõ, thời gian tới, tình hình an ninh mạng trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Các đơn vị chức năng cần tập trung hoàn thiện lý luận về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, làm cơ sở cho việc đổi mới công tác phòng ngừa tội phạm phù hợp với tình hình mới.
Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả việc nghiên cứu, hệ thống đánh giá tình hình, kịp thời phát hiện từ xa, từ sớm những vấn đề mới, nhận diện chính xác phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, các bên liên quan chủ động phát hiện sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về an ninh mạng; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về đảm bảo an ninh mạng.
Đồng thời đấu tranh có hiệu quả với Chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên không gian mạng; vận động quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố vững chắc thế trận an ninh nhân dân; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ thuật cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng...
Thời gian qua, Công an tỉnh Tuyên Quang đã bám sát chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Giai đoạn 2019 - 2022, cơ quan điều tra các cấp Công an tỉnh đã khởi tố 52 vụ án liên quan đến an ninh mạng và công nghệ cao (chiếm 1,62% tổng số vụ án khởi tố). Năm 2023, khởi tố vụ tội phạm liên quan đến không gian mạng và sử dụng công nghệ cao (chiếm 5,66% tổng số vụ án đã khởi tố).
Năm 2024, khởi tố 66 vụ án liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao (chiếm 9,7% số vụ đã khởi tố). Trong đó nổi lên là nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng internet; mua bán dữ liệu cá nhân; xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử…