Thứ nhất là vấn đề di chuyển. Tôi đến Rome vào một trưa tháng 6 chói chang. Cảm nhận đầu tiên của tôi là ở đây nóng chẳng kém gì Hà Nội, khi phải băng qua đoạn đường nắng lóa mắt ra chỗ đỗ xe, mà bốn phía hầu như chẳng có một bóng cây lớn nào, còn bên trong ô tô của cơ quan thường trú (CQTT) thì nóng rẫy do bị phơi nắng và hỏng điều hòa.
Khi ô tô lăn bánh, tôi nhận ngay ra sự khác biệt của mùa Hè xứ ôn đới và xứ nhiệt đới khi đón làn gió mát rượi từ ngoài thổi vào, làm tan đi phần nào sự mỏi mệt tích tụ từ những ngày trước đó. Tôi háo hức nhìn đường phố và thấy khá nhiều ô tô, hầu hết là xe 4 chỗ loại nhỏ đang luồn lách trên những con đường dốc và chật hẹp. Người Italy lái xe khá ẩu và không nhường nhau, có lẽ một phần là do đường đã bé, lại bị xe hoặc các thùng rác lớn án ngữ san sát ở cả hai bên, làm cho phần đường dành cho lưu thông càng bé. Đường đi phân làn nghiêm ngặt, những chỗ rẽ đôi khi bị khuất hay quá gấp, khiến người không thạo đường rất dễ đi nhầm. Rồi quy định xe ô tô từ đường nhánh ra phải nhường tất cả các xe khác, khiến xe của chúng tôi có lúc phải dừng đến 2-3 phút mà vẫn chưa đi được do những xe ở làn ưu tiên dù thấy có xe đợi nhưng vẫn tăng tốc tranh đi. Hơn nữa, nạn tắc đường ở Rome xảy ra hằng ngày.
Trụ sở CQTT Rome nằm cách trung tâm thành phố khoảng hơn 10 km, nhưng thủ đô của Italy có quy định cấm ô tô đi vào khu trung tâm, nên khi cần đi tác nghiệp, cách nhanh và tiện nhất là sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Một khó khăn nữa, là trụ sở CQTT nằm cách Đại sứ quán Việt Nam tại Italy tới 40 km, nên mỗi lần có việc tới đây, riêng thời gian di chuyển đã mất gần 3 giờ đồng hồ khi may mắn không bị tắc đường.
Thứ hai là rào cản về ngôn ngữ. Về đến nhà, theo quy định cách ly, tôi được đưa thẳng lên tầng áp mái để bắt đầu 10 ngày chỉ có một mình với 4 bức tường. Sau hai ngày hết ăn lại ngủ, tôi bắt đầu vào mạng sục sạo và phát hiện ra rằng tin tức ở đây chủ yếu bằng tiếng Italy, tin tiếng Anh rất ít và chậm, có khi đến hai ngày. Và tôi bắt đầu cảm thấy khó khăn khi không thạo ngôn ngữ sở tại.
Cảm nhận đó trở nên rõ rệt hơn khi tôi hết thời gian cách ly và được ra ngoài. Tại Italy, đa số người dân không nói tiếng Anh, kể cả công chức, và tiếng Italy trên thực tế còn khó hơn hồi tôi học ở Việt Nam, bởi vì mọi người đều nói rất nhanh và dùng cấu trúc rút gọn. Tôi gần như thành người không biết tý tiếng Italy nào và cảm thấy cấp bách cần cải thiện ngay trình độ tiếng của mình.
Thứ ba là khó khăn trong việc làm giấy tờ. Việc làm các loại giấy tờ để có thể sinh sống và làm việc hợp pháp tại Rome vốn không dễ dàng, nhưng giờ càng trở nên khó khăn hơn. Do quy định giãn cách, mọi yêu cầu dịch vụ đều phải đăng ký trước qua mạng và chỉ việc này cũng đủ khó khăn khi số hẹn có lúc đã được phát hết trước mấy ngày. Thế nên dù được đồng nghiệp là phóng viên Ngự Bình, người có bằng thạc sỹ tiếng Italy, dẫn đi làm giấy tờ, nhưng chúng tôi còn không qua được khâu đầu tiên, chứ nói gì đến chuyện trình bày.
Thời gian chờ đợi cũng lâu hơn do nhiều cơ quan cho phép công chức làm việc giãn cách. Rồi còn có yếu tố may rủi, khi có cùng yêu cầu, các loại giấy tờ giống nhau, nhưng kết quả đôi khi khác hẳn nhau.
Thế nên, mỗi nhiệm kỳ của tôi lại có những thách thức khác nhau. Tại Indonesia là sự an toàn khi tác nghiệp. CQTT đã từng có chuyến công tác căng thẳng và nhạy cảm đến mức phóng viên không dám nói tiếng Việt. Hay chuyến đi đưa tin về động đất mà việc di chuyển đến nơi xảy ra thiên tai đã gặp muôn vàn khó khăn, chưa nói đến việc tác nghiệp tại thực địa.
Trong khi tại Canada là thời tiết khắc nghiệt. Có lần chúng tôi đi dẫn hiện trường khi nhiệt độ bên ngoài là -20 C. Phóng viên nói với tôi là khi dẫn thì chị cởi áo khoác ra cho hình đẹp. Nhưng sau khi chỉnh xong máy, tôi mới nói chưa được một câu đã bị ra hiệu ngừng, vì pin máy quay đã tự tắt khi trời quá lạnh.
Còn tại Italy thì thách thức của tôi rất cụ thể, đời thường, nhưng lại yêu cầu nỗ lực lớn để vượt qua, và kinh nghiệm cũ hầu như không giúp được gì. Nhưng với truyền thống đoàn kết của CQTT, tôi tin rằng mình sẽ lại có một nhiệm kỳ thành công, xứng đáng là phóng viên thường trú của cơ quan thông tấn nhà nước, tập đoàn truyền thông đa phương tiện mạnh trong khu vực.